Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, với vai trò là “cầu nối” đưa các chủ trương, nhiệm vụ, nội dung, kết quả cải cách tư pháp vào hoạt động tư pháp đi vào cuộc sống, công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; tăng cường sự hiểu biết của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Các lực lượng, phương tiện thông tin tuyên truyền: Từ tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến tuyên truyền, cổ động trực quan đều đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, phát huy lợi thế; tích cực triển khai nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền dưới các hình thức phong phú, nội dung sâu sắc, có tính thuyết phục, có sức lan tỏa rộng về các chủ trương, nhiệm vụ, nội dung, kết quả của cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp tới cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… trong xã hội. Công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp được quan tâm hơn. Số lượng các buổi thông tin, báo cáo về các vấn đề liên quan nội dung cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp ngày một tăng; chất lượng thông tin nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục với những nội dung phong phú; tuyên truyền việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; đưa các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp cùng những hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ dừng ở việc đưa tin, tuyên truyền, với chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí đã có những phóng sự, điều tra góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ, việc sai phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp. Các tạp chí, trang thông báo nội bộ của các bộ, ngành, địa phương đã ưu tiên đăng tải hàng loạt tin, bài về các hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp… góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi pháp luật của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Tuy nhiên, kết quả của công tác thông tin, tuyên truyền chưa tương xứng, chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Hình thức tuyên truyền chưa thật sự phong phú, có lúc còn nghèo nàn và thiếu linh hoạt dẫn đến hiệu quả chưa cao. Tài liệu tuyên truyền ít, thông tin khô cứng, chưa gắn liền thực tiễn cuộc sống. Nội dung thông tin, tuyên truyền chưa bám sát các đối tượng phù hợp. Đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên tuy có nhiều cố gắng nhưng số lượng và chất lượng các buổi báo cáo còn thấp, thông tin tuyên truyền chậm, thiếu định hướng, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên sâu về lĩnh vực cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp còn ít, nên chất lượng tin, bài còn hạn chế; số lượng bài viết sâu, có tính giám sát, phản biện còn ít; có lúc, thông tin trên báo chí còn mang tính giật gân, câu khách, làm rối nhiễu thông tin, gây cản trở việc điều tra, xét xử các vụ án. Một số cấp ủy đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về mục đích, yêu cầu của công tác cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Trước tình hình đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, thời gian tới, cần tập trung một số điểm chính sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các cấp ủy đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân các tổ chức, tạo sự ủng hộ, tham gia tích cực của họ đối với quá trình cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Thứ hai, về nội dung thông tin, tuyên truyền, phải phù hợp, thiết thực với từng đối tượng, như: thông tin, tuyên truyền những quy định mới của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp như vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân trong thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các nguyên tắc hiến định về tổ chức và hoạt động tư pháp; các quy định pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và pháp luật khác có liên quan được Quốc hội thông qua theo tinh thần cải cách tư pháp; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và ban chỉ đạo cải cách tư pháp các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; về hoạt động cải cách tư pháp của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương; kết quả thực hiện chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, nhất là những bài học kinh nghiệm, những tập thể, cá nhân điển hình và những khó khăn, vướng mắc, nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.
Thứ ba, về hình thức thông tin, tuyên truyền, cần đa dạng hóa các loại hình; trong từng nội dung, từng thời điểm cần phải lựa chọn hình thức phù hợp, hiệu quả. Các lực lượng thông tin, tuyên truyền cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động trong phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức có hiệu quả các loại hình thông tin, tuyên truyền. Thí dụ, đối với các cơ quan báo chí, tiếp tục mở chuyên trang, chuyên mục, số chuyên đề, số phụ đề về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, trong đó các báo hình và báo nói, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức diễn đàn, các cuộc tọa đàm, trao đổi về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; lồng ghép nội dung cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp vào một số chương trình giải trí, liên quan đến phim truyện truyền hình… Đối với các báo in và các phương tiện truyền thông khác, cần tăng cường mở diễn đàn, chuyên mục “Hỏi – Đáp về cải cách tư pháp” để tuyên truyền, tiếp nhận ý kiến phản hồi của cá nhân, tổ chức về các vấn đề liên quan chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của ban tuyên giáo các cấp trong việc chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Ban Tuyên giáo các cấp cần nêu cao trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo cải cách tư pháp các tỉnh, thành phố và các cơ quan tư pháp để xây dựng hướng dẫn, định hướng cụ thể về công tác tuyên truyền theo chủ đề và theo thời gian, phân loại nội dung cho phù hợp đối tượng. Trong chỉ đạo thông tin, tuyên truyền cần có sự “phân vai” hợp lý giữa các lực lượng và hình thức thông tin tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp để bảo đảm độ sâu và chiều rộng trong từng chủ đề, nội dung, tránh trùng lặp, khắc phục tình trạng có nội dung được thông tin, tuyên truyền quá nhiều, trong khi lại thiếu nội dung khác.
Thứ năm, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong trường học, phóng viên, biên tập viên pháp luật.
Thứ sáu, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, ban chỉ đạo cải cách tư pháp của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan tư pháp (viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp) cần thường xuyên phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tập huấn, hội nghị báo cáo viên để cung cấp thông tin kịp thời các kết quả hoạt động cải cách tư pháp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương; đồng thời công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, biên tập viên và phóng viên báo chí tiếp cận kết quả trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp cũng như trong quá trình xét xử, điều tra các vụ án để có thông tin, tuyên truyền chính xác, đúng định hướng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()