Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường
Sau 5 năm triển khai hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều vụ việc trọng điểm, tương đối phức tạp liên quan đến hàng giả, hàng lậu tại một số địa phương đã được triệt xóa. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước cũng như hoạt động công vụ, lực lượng quản lý thị trường cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn.
Cán bộ, công chức trong ngành cần thường xuyên trau dồi đạo đức, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng khác nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Ghi nhận những kết quả tích cực
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường đã phát huy hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm bị xử lý đã được Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đánh giá tốt, thực hiện một cách tập trung, xuyên suốt, thống nhất. Tình trạng manh mún, cắt khúc, thiếu đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng chống và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau đã từng bước được khắc phục.
Theo đó, từ năm 2018 đến tháng 9/2023, toàn lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 557.156 vụ việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử phạt vi phạm hành chính 353.333 vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ đồng.
Đối với công tác thanh tra chuyên ngành, Tổng cục Quản lý thị trường đã thực hiện thanh, kiểm tra 1.034 vụ việc; phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 471 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính hơn 24 tỷ đồng.
Từ khi ngành quản lý thị trường chuyển đổi mô hình quản lý sang ngành dọc đã chứng tỏ tính ưu việt, bộ máy cấp trung ương, Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức tinh gọn chỉ còn bốn vụ, một văn phòng và một cục nghiệp vụ.
Trong khi đó, cấp địa phương còn 63 cục quản lý thị trường và không còn cấp chi cục, mà chỉ còn các phòng, đội trực thuộc với số đội quản lý thị trường cũng giảm từ 681 đội xuống còn 376 đội (giảm 45%).
Từ năm 2018 đến tháng 9/2023, toàn lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 557.156 vụ việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử phạt vi phạm hành chính 353.333 vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỷ đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương, thực tế nêu trên đã chứng minh, sau 5 năm thực hiện kiện toàn bộ máy theo mô hình ngành dọc và việc tinh giản bộ máy, không làm yếu đi vai trò chủ công của ngành quản lý thị trường trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, trái lại, còn giúp lực lượng ngày càng tinh nhuệ, chuyên nghiệp. Nhiều vụ việc vi phạm phức tạp, quy mô lớn, có tính chất liên tỉnh đã được chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên phạm vi toàn quốc được cải thiện theo hướng toàn diện, hiệu quả. Những diễn biến đột xuất, phức tạp của thị trường phát sinh trong các thời điểm, tại các địa bàn khác nhau trên cả nước đã được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời với kết quả tích cực.
Điển hình, vụ kiểm tra thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu tại cảng ICD Mỹ Đình (Hà Nội); phát hiện hơn 47 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng tại Bình Dương; tổng kiểm tra kho hàng lậu rộng hơn 10.000m 2tại Lào Cai…
Tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng chủ công
Có thể nói, với những kết quả đã đạt được, cùng nhiều giải pháp, đồng bộ, quyết liệt được lực lượng quản lý thị trường thực hiện trong năm 2023 về cơ bản đã góp phần bảo đảm trật tự thị trường, không để xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Song trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trên thị trường đã xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn, phương thức vi phạm tinh vi mới, do đó lực lượng quản lý thị trường cần xác định công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải đi trước một bước, có các giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa với ưu tiên “phòng” hơn “chống”. Việc chống buôn lậu hàng giả muốn tốt thì phải thông từ ngoài vào trong, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng.
Hiện nay, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, nhất là giữa lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, biên phòng đã tốt hơn nhiều, nhưng vẫn chưa được như mong muốn.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, thay vì ưu tiên hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, năm 2023 lực lượng quản lý thị trường đã chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa các vi phạm thông qua việc chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đồng thời, ưu tiên đẩy mạnh ký kết hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước để ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc, Hiệp hội Công nghiệp vòng bi thế giới; Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch, Tập đoàn LEGO, hoặc ký kết bản ghi nhớ hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhằm ngăn chặn các hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Vì vậy, thời gian tới lực lượng quản lý thị trường cả nước cần tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới, không chỉ gói gọn nhiệm vụ trong nước như: bảo đảm ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng mà còn đảm nhận nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như: chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.
Đồng thời, cần xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là “cuộc chiến” trường kỳ, cần sự phối hợp từ nhiều phía.
Do đó, phải thay đổi toàn diện phương thức làm việc, chủ động hơn trong giám sát, ưu tiên phòng ngừa, phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả, nhất là tập trung phòng chống và xử lý hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử – môi trường hiện còn nhiều kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()