Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành: Định hướng hoàn thiện” do Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) phối hợp với Dự án JICA tổ chức ngày 21/2, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS ( Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Lực nêu rõ: Sau 8 năm thực hiện Luật THADS năm 2008; 5 năm thực hiện Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cùng các văn bản liên quan đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định. Từ đó đặt ra nhu cầu cần được rà soát, tổng hợp để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Ông Lực thông tin, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Dự án JICA, Tổng cục THADS đã thành lập đoàn khảo sát đánh giá pháp luật và thực tiễn áp dụng Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn tại Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Gia Lai, Phú Yên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổng hợp tiến tới sửa đổi Luật THADS sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cùng các văn bản pháp luật có liên quan.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật THADS tập trung chủ yếu vào 14 nhóm vấn đề về: quy định về những bản án, quyết định được đưa ra thi hành; thẩm quyền ra quyết định thi hành án giữa Cục và Chi cục; ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu hay chủ động; việc xác định án chưa có điều kiện thi hành; chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với người thứ ba; ủy thác thi hành án; thứ tự thanh toán tiền thi hành án; đình chỉ thi hành án; việc định giá lại tài sản kê biên; giảm giá, bán đấu giá tài sản; kê biên quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; tiêu hủy tài sản không còn giá trị sử dụng; hoãn thi hành án trong trường hợp có tranh chấp tài sản; trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án.
Theo Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Vũ Hồng Dương, thời gian qua, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác THADS còn ở mức độ, việc chuyển giao bản án cùng các tài liệu liên quan còn chưa kịp thời; việc giải thích bản án còn chậm, chưa rõ ràng, nhất là đối với án tín dụng ngân hàng, khởi kiện tranh chấp, phân định tài sản trong khối tài sản chung; phối hợp liên ngành khi thực hiện cưỡng chế còn hạn chế. Trên cơ sở đó, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản liên quan cần nêu cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác phối hợp.
Cục trưởng Cục THADS Lào Cai Lê Anh Tuấn đề xuất bổ sung một số quy định nhằm nâng cao vị thế của cơ quan THADS như có quyền khám xét, thu giữ tài sản với mục đích tìm ra tài sản, xác định đúng điều kiện thi hành án, hạn chế tình trạng đương sự tẩu tán tài sản.
Đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao chỉ ra lĩnh vực THADS còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân công tác phối hợp chưa đạt hiệu quả, vì vậy, đề nghị cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong THADS./.
Ý kiến ()