Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển đất nước
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 là dịp để ngành Ngoại giao tập trung đánh giá, sơ kết ba năm thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, đồng thời đề ra phương hướng đẩy mạnh công tác đối ngoại và xây dựng, phát triển ngành thời gian tới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn các đại biểu về kết quả triển khai công tác đối ngoại thời gian qua.
Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. (Ảnh NGỌC CHÂU) |
Tiềm năng thúc đẩy hợp tác địa phương còn rộng mở
Năm 2023 đánh dấu cột mốc lớn trong quan hệ Việt Nam-Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ qua, có thể thấy Việt Nam và Pháp đã gặt hái những thành quả hợp tác đáng tự hào. Hiện nay, hai nước đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hợp tác địa phương là một kênh đặc biệt, là nét nổi bật xuyên suốt chặng đường đồng hành giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua. Hình thức hợp tác này cũng bắt nguồn từ sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Pháp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay của Việt Nam.
Thời gian qua, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiện có 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 24 địa phương của Pháp có các dự án, chương trình hợp tác chính thức nhưng trên thực tế thì hầu hết tỉnh, thành phố Việt Nam và các địa phương của Pháp đều có sự kết nối ở những mức độ khác nhau. Hiện nay, hai nước có cơ chế hợp tác rất đặc biệt là Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp, diễn ra ba năm/lần.
Hội nghị đã được tổ chức rất thành công tại Hà Nội vào tháng 4/2023. Ngoài ra, trong hai năm qua, hai nước cũng tổ chức nhiều đoàn địa phương thăm, làm việc để tìm kiếm cơ hội tăng cường hợp tác. Những hoạt động sôi nổi này đóng góp thiết thực trong nỗ lực thắt chặt quan hệ song phương.
Có thể nói, tiềm năng thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước trong thời gian tới còn rất rộng mở. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 vừa qua đã nêu rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy trong thời gian tới, nhất là theo hướng bảo đảm sự phát triển bền vững của các địa phương, như các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, môi trường, y tế, năng lượng…
Hiện nay, cách tiếp cận về hợp tác của nhiều địa phương Pháp đã có sự thay đổi theo hướng thực tế, cụ thể hơn. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương hai nước cần trao đổi, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng đề ra những dự án, chương trình phù hợp định hướng phát triển, nhu cầu, năng lực của từng địa phương.
(Ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp)
Quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam
Từ kết quả thực tiễn triển khai công tác ngoại giao văn hóa trong những năm qua, có thể khẳng định rằng, ngoại giao văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Những đóng góp tích cực của công tác ngoại giao văn hóa được thể hiện rõ nét qua ba khía cạnh.
Thứ nhất là góp phần phát triển thương hiệu, hình ảnh của quốc gia, cũng như các địa phương. Các danh nhân, những danh lam, thắng cảnh của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh góp phần gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên thế giới. Rất nhiều di sản tại các địa phương của Việt Nam xuất hiện trên các cơ quan báo chí quốc tế lớn.
Mới đây, Google đặt hình ảnh Vịnh Hạ Long lên trang chủ để vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới này. Thứ hai, ngoại giao văn hóa đóng góp vào việc quy hoạch, định hướng phát triển của các địa phương. Trong quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các tỉnh, thành phố nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đặc sắc riêng của từng địa phương, trong đó có các danh hiệu mà UNESCO công nhận.
Thứ ba, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao đời sống của người dân. Thí dụ, kể từ sau khi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã đón lượng khách du lịch cao gấp nhiều lần. Đây là cơ hội để tỉnh phát triển, cũng như giúp người dân cải thiện đời sống, tích cực tham gia bảo vệ các giá trị di sản.
Thời gian qua, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã đóng vai trò kết nối hiệu quả trong nỗ lực phát huy các giá trị văn hóa, di sản của Việt Nam. Trong công tác này có sự kết hợp chặt chẽ với các cấp, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Là mắt xích tạo thành cầu nối chắc chắn, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao cùng các địa phương góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
(Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao)
Phát huy vai trò của ngoại giao kinh tế
Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đã tích cực triển khai công tác ngoại giao kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia. Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các diễn đàn hợp tác thương mại tại thủ đô Riyadh và các địa phương của Saudi Arabia.
Đây không chỉ là dịp giới thiệu về chính sách thương mại, đầu tư của Việt Nam, mà còn là cơ hội để quảng bá những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đến các doanh nghiệp và người dân Saudi Arabia. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước đã được hình thành từ những diễn đàn này. Năm 2024, Việt Nam và Saudi Arabia sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch giữa hai nước.
Thời gian qua, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Saudi Arabia tiến triển tích cực. Điều này cho thấy đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng mà hai nước cần khai thác, nhất là trong xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal. Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung là thị trường Halal tiềm năng mà Việt Nam có thể hướng đến trong thời gian tới.
Để khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu kỹ quy chuẩn của khu vực để đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, đồng thời tích cực giới thiệu sản phẩm, tham gia các dự án truyền thông, tuyên truyền sản phẩm, qua đó kết nối với các khách hàng, mở ra thị trường mới. Cùng với nhiều tiềm năng đang được hai nước nỗ lực khai thác, tôi tin rằng hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia sẽ tiếp tục tiến triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
(Ông Đặng Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia)
Thu hút tối đa nguồn lực quốc tế
Thời gian qua, công tác đối ngoại địa phương ghi nhận nhiều điểm mới. Trước hết là sự đa dạng, không chỉ tập trung vào các đối tác truyền thống như trước đây mà còn mở rộng thêm các đối tác mới. Ngoài ra, nhiều nội dung mới cũng được đưa vào chương trình gặp gỡ với đối tác nước ngoài. Đó là những chiến lược, chính sách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo và nhất là việc triển khai các hiệp định thương mại tự do song phương thế hệ mới.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng cùng các địa phương tìm tòi những hình thức mới trong công tác tổ chức sự kiện kết nối quốc tế. Tuy được tổ chức tại một địa phương, song các sự kiện vẫn mang tính liên kết vùng, phù hợp các quy hoạch vùng của Việt Nam.
Về định hướng trong thời gian tới, công tác đối ngoại địa phương cần tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa và thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII của Đảng. Cần nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại địa phương. Trong đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các địa phương trong thu hút nguồn lực quốc tế nhằm tạo bước đột phá mới.
Chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng với công tác đối ngoại địa phương trong năm tới. Kỳ vọng lớn nhất là ngày càng mở rộng nhiều mối quan hệ quốc tế cho các địa phương. Các đối tác quốc tế ở đây không chỉ là địa phương, mà còn là hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn lớn của các nước, những tập đoàn đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các tỉnh, thành phố của Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội. Đó còn là đội ngũ phóng viên báo chí quốc tế đến đưa tin, quảng bá về các di sản, truyền thống văn hóa, các đặc trưng, thế mạnh và con người của các địa phương.
(Ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao)
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-doi-ngoai-phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc-post788703.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()