Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Ðảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Cách đây 83 năm, ngay sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Ðảng đã họp và thông qua luận cương chính trị, điều lệ Ðảng và Án Nghị quyết về công tác vận động quần chúng nhân dân. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: Trong các Ðảng bộ (từ tỉnh và thành ủy) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về giới vận động để làm công tác vận động và giác ngộ quần chúng đứng lên làm cách mạng.
Cách đây 83 năm, ngay sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 đến 31-10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Ðảng đã họp và thông qua luận cương chính trị, điều lệ Ðảng và Án Nghị quyết về công tác vận động quần chúng nhân dân. Trong Nghị quyết của Trung ương chỉ rõ: Trong các Ðảng bộ (từ tỉnh và thành ủy) phải tổ chức ra các ban chuyên môn về giới vận động để làm công tác vận động và giác ngộ quần chúng đứng lên làm cách mạng.
Từ đó, các ban chuyên môn về các giới vận động của Ðảng được thành lập, bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận và Mặt trận phản đế; ghi dấu ngày ra đời công tác dân vận, mở ra một trang mới trong sự nghiệp công tác dân vận của Ðảng.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Ðảng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Các phong trào cách mạng như: Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Mặt trận Dân chủ Ðông Dương (1936-1939), Phản đế (1939-1941), Mặt trận Việt Minh (1941-1945)… đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta trong việc tập hợp, chuẩn bị lực lượng cách mạng để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền công nông đầu tiên ở Ðông – Nam Á.
Ngày 31-8-1947, Thường vụ Trung ương Ðảng ra Nghị quyết về xây dựng Ðảng đoàn, các ban chuyên môn, trong đó có Ban Dân vận (ở Trung ương gọi là Bộ Dân vận). Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật, nội dung bài báo được coi là cương lĩnh về công tác dân vận của Ðảng. Chính vì vậy, ngày 14-10-1999, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15-10 là Ngày Truyền thống công tác dân vận của Ðảng và cũng từ đó, ngày 15-10 hằng năm được lấy làm “Ngày Dân vận của cả nước”.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đầy gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi vẻ vang. Trong suốt 30 năm kháng chiến, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, công tác dân vận của Ðảng đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc; góp phần làm nên những chiến công hiển hách, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó cũng là thắng lợi của đường lối mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc theo tư tưởng của Bác Hồ: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho”.
Với quyết tâm đổi mới toàn diện, Ðại hội VI của Ðảng đã đề ra đường lối Ðổi mới và rút ra bốn bài học, trong đó có bài học quan trọng là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Ðảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Ngày 27-3-1990, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNT.Ư về “Ðổi mới công tác quần chúng của Ðảng, tăng cường mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân”. Nghị quyết nêu lên bốn quan điểm hết sức quan trọng, là kim chỉ nam cho công tác dân vận trong quá trình đổi mới.
Kế thừa các quan điểm chỉ đạo về công tác vận động quần chúng của Ðảng, tại Ðại hội VII, Ðảng ta xác định phải xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/T.Ư về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Ðây thật sự là một bước phát triển mới về chất trong quá trình vận hành nền dân chủ nhân dân.
Với chủ đề “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IX tiếp tục chỉ rõ: “… đại đoàn kết toàn dân. Ðó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Thực hiện Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng, Hội nghị lần thứ bảy
Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành ba nghị quyết quan trọng: “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “về công tác dân tộc”; “về công tác tôn giáo”.
Ðại hội X của Ðảng đã rút ra năm bài học thực tiễn của 20 năm đổi mới, trong đó có bài học về công tác dân vận: “Ðổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân…”. Ðại hội nhấn mạnh: “Ðảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Ðảng. Phải xây dựng các thiết chế mở rộng và phát huy dân chủ, bảo đảm các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đều có sự tham gia xây dựng của nhân dân, phản ánh ý chí, lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc. Cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân”. Sau Ðại hội X, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về công tác phụ nữ; Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành các nghị quyết về công tác thanh niên; về xây dựng giai cấp công nhân; về xây dựng đội ngũ trí thức; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Các nghị quyết đã từng bước được Nhà nước thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật để thực hiện.
Ðể thống nhất tư tưởng và phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận, ngày 25-2-2010, Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 290-QÐ/T.Ư về “Ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận và nội dung, phương thức, trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của từng tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trong quá trình đổi mới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi là cơ bản, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự chuyển đổi cơ cấu giai cấp, vấn đề lợi ích, khoảng cách giàu nghèo, một số vấn đề xã hội… đang có sự thay đổi sâu sắc và diễn biến mới, đòi hỏi công tác dân vận phải có sự đổi mới nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư ngày 3-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, trong đó bổ sung những quan điểm mới về công tác dân vận. Ðây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử công tác dân vận của Ðảng, nhất là đối với quá trình đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng về công tác dân vận hiện nay.
83 năm qua, công tác dân vận của Ðảng đã đạt được những thành tích to lớn, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Ðảng với nhân dân, giúp cho Ðảng ta tập hợp được sức mạnh của nhân dân để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những thành tích to lớn ấy là niềm tự hào, là động lực to lớn, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Ðảng, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đất nước hội nhập, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ðể không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục triển khai Nghị quyết 25-NQ/T.Ư Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một cách thiết thực, cụ thể; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, đề nghị tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, đẩy mạnh, kiên quyết và kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Hai là, tập trung giải quyết kịp thời một số bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là đời sống, việc làm; đền bù thu hồi đất đai; tai nạn giao thông; tệ nạn xã hội… Quan tâm hơn nữa đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi thiên tai, bão lụt; nơi nông dân còn thiếu đất sản xuất; công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp có khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Ba là, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, mỗi một người dân tích cực sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng để đất nước phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong thời gian tới.
Bốn là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Coi đây là khâu đột phá trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận. Cần rà soát bổ sung, kịp thời để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng về dân vận thành các văn bản pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ và thực thi có hiệu quả trên thực tế. Trong xây dựng chính sách phải coi trọng lấy ý kiến của nhân dân, bảo đảm nguyên tắc thuận với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thực hiện nền nếp Quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy dân chủ, khuyến khích, huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối làm việc; tăng cường trách nhiệm công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền định kỳ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, quần chúng. Nội dung hoạt động phải thiết thực, chất lượng; đặt trọng tâm vào vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội cho sát với nhiệm vụ chính trị, thực tế của địa phương, đơn vị. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, các nhân tố mới. Ðồng thời, tích cực tham gia thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong thời gian tới.
Sáu là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận. Các cơ quan Trung ương và địa phương có cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận, trong đó có việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về công tác dân vận; việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc chính đáng trong nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Ðảng và 14 năm Ngày Dân vận của cả nước, mỗi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị cùng ôn lại và suy ngẫm sâu sắc tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ, các quan điểm của Ðảng ta về dân vận. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, thiết thực chăm lo đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh nhân dân để tiếp tục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()