Được triển khai từ tháng 4-2011, chương trình bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần giữ ổn định giá nhiều loại thuốc sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng đưa mặt hàng thuốc sản xuất trong nước đến gần người dân hơn.Hiệu quả bước đầuChương trình bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh có sự tham gia của 45 mặt hàng thuộc mười nhóm thuốc người dân có nhu cầu sử dụng nhiều: thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, đau dạ dày, trị ho, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt. Các mặt hàng này đáp ứng khoảng 20% nhu cầu dùng thuốc của người dân và giá bán thấp hơn 10% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các loại thuốc trong nhóm hàng bình ổn giá được sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP - WHO). Sau gần một năm triển khai, chương trình ngày càng được mở rộng....
Được triển khai từ tháng 4-2011, chương trình bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần giữ ổn định giá nhiều loại thuốc sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng đưa mặt hàng thuốc sản xuất trong nước đến gần người dân hơn.
Hiệu quả bước đầu
Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh có sự tham gia của 45 mặt hàng thuộc mười nhóm thuốc người dân có nhu cầu sử dụng nhiều: thuốc giảm đau – hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, đau dạ dày, trị ho, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt. Các mặt hàng này đáp ứng khoảng 20% nhu cầu dùng thuốc của người dân và giá bán thấp hơn 10% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các loại thuốc trong nhóm hàng bình ổn giá được sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GMP – WHO). Sau gần một năm triển khai, chương trình ngày càng được mở rộng. Từ 400 nhà thuốc tham gia trong những ngày đầu, đến nay, con số này đã lên đến hơn 1.000 nhà thuốc là các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân, nhà thuốc thuộc các doanh nghiệp, trong đó 100% số nhà thuốc thuộc các bệnh viện tham gia chương trình (99 nhà thuốc). Các nhà thuốc này đều đạt chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP). Từ khu vực trung tâm thành phố như: quận 1, quận 3, Bình Thạnh… đến khu vực ngoại thành như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… chúng tôi dễ dàng tìm được các điểm bán thuốc bình ổn giá. Bà Phạm Thị Huệ, ngụ huyện Hóc Môn cho biết: Từ khi có thuốc bình ổn giá, bán với giá rẻ giúp người dân giảm được nhiều chi phí mua thuốc và đi mua cũng dễ dàng hơn.
Các loại thuốc tham gia bình ổn giá ngày càng được người dân tin dùng. Tính riêng từ tháng 5-2011 đến tháng 1-2012, doanh số bán ra thị trường của các loại thuốc bình ổn giá đạt gần 6,3 tỷ đồng.
Tham gia ngay từ ngày đầu triển khai, nhà thuốc Bệnh viện Từ Dũ bán 14 loại thuốc trong nhóm hàng bình ổn giá. Cả 14 mặt hàng được nhà thuốc bán thấp hơn so với mức giá quy định của Sở Y tế, cho nên kích thích người dân dùng các loại thuốc này. Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Huỳnh Thị Kim Thủy cho biết: “Là bệnh viện chuyên khoa cho nên đơn vị dùng nhiều loại thuốc trong nước chưa sản xuất được. Nhưng chúng tôi đang cố gắng ưu tiên những thuốc có trong nhóm hàng bình ổn để điều trị cho người bệnh. Nhờ vậy, từ tháng 4-2011 đến cuối năm 2011, giá trị bán các mặt hàng trong nhóm bình ổn giá tăng từ 1% lên 2,6% tổng doanh thu nhà thuốc bệnh viện.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan nhận xét: Sau gần một năm triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu đã có tác dụng tích cực. Thuốc trong chương trình có giá thấp và chất lượng ổn định đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người bệnh. Chương trình tác động tích cực tới thị trường dược, góp phần ổn định giá nhiều mặt hàng thuốc tương tự thuốc bình ổn. Trong hơn 10 tháng qua, giá các mặt hàng thuốc nội tại thành phố không tăng mặc dù nền kinh tế có nhiều biến động.
Để chương trình thiết thực hơn
Ngoài việc chỉ đạo phòng y tế quận, huyện triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng thuốc thiết yếu, ngành y tế thành phố vận động các doanh nghiệp, nhà thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ kê đơn, dược sĩ tích cực tham gia chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chương trình gặp không ít khó khăn. Theo Phó trưởng Phòng Quản lý Dược (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) Đỗ Văn Dũng, một trong những khó khăn hiện nay người dân chưa nhận thức đúng về chất lượng các loại thuốc sản xuất trong nước, còn tồn tại tâm lý sính thuốc ngoại. Một số bác sĩ điều trị, dược sĩ kê đơn, chưa quan tâm nhiều đến các mặt hàng thuốc trong chương trình bình ổn giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia phân phối thuốc bình ổn giá vẫn còn đưa thuốc chưa kịp thời, doanh số mua thuốc của các điểm bán thấp.
Bác sĩ, dược sĩ, người bán thuốc là những người quyết định nhiều việc dùng thuốc của người bệnh, nhưng vẫn còn không ít người bán thuốc cho rằng các mặt hàng tham gia bình ổn có chất lượng không tốt. Từ tâm lý này, nhiều nhà thuốc không muốn tham gia chương trình, có nhà thuốc có bán nhưng chỉ khi người bệnh hỏi mua đúng tên thuốc mới đưa ra. Một số nhà thuốc cho biết, các loại thuốc bình ổn giá quá ít cho nên có bán cũng không được nhiều. Bên cạnh đó, khi mua thuốc chợ có thể trả chậm và không cần hóa đơn, nhiều công ty dược phẩm khác đưa hoa hồng, chiết khấu cao hơn, trong khi bán các mặt hàng thuốc bình ổn giá không có những “ưu ái” này.
Đáng chú ý, việc công bố danh sách các nhà thuốc tham gia chương trình còn sai sót khiến người dân khó khăn tìm đến các điểm bán thuốc bình ổn. Theo danh sách các nhà thuốc đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tới sáu nhà thuốc trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) nhưng có tới bốn nhà thuốc không hề bán các loại thuốc này. Điều đáng ngạc nhiên, nhiều nhà thuốc cho biết họ không biết hoặc chưa đăng ký tham gia chương trình này. Lãnh đạo Phòng Quản lý dược giải thích, tình trạng này là do phòng y tế quận để sót khi triển khai. Để người dân dễ dàng tìm mua các loại thuốc bình ổn giá, bên cạnh treo băng-rôn tại các cửa hàng theo đúng quy định, danh sách công bố các nhà thuốc tham gia chương trình cần được thực hiện chính xác.
Bảo đảm cân đối cung cầu một số mặt hàng thuốc thiết yếu, ổn định đời sống của người dân là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc triển khai cần thực chất, tránh hình thức, làm theo phong trào để người dân thật sự được hưởng lợi từ chương trình này. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, bác sĩ, dược sĩ về chương trình, việc mở rộng danh mục các loại thuốc trong chương trình giúp người dân dễ dàng tiếp cận các mặt hàng này hơn. Ông Đỗ Văn Dũng cho biết: “Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương bình ổn giá các mặt hàng thuốc thiết yếu và phấn đấu mở rộng danh mục các loại thuốc từ 45 mặt hàng hiện nay lên 100 mặt hàng”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()