Nâng cao hiệu quả cây dược liệu
– Những năm gần đây, mô hình trồng cây dược liệu phát triển khá mạnh tại một số huyện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mở hướng phát triển kinh tế phù hợp, bền vững.
Hơn 10 năm trước, diện tích đất dưới tán rừng, khu vực gần khe, suối của gia đình anh Tô Văn Tình, thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa (huyện Đình Lập) bỏ không. Sau khi biết đến mô hình trồng cây sa nhân tím ở một số nơi, gia đình anh đã mạnh dạn đưa giống cây này về trồng dưới tán rừng.
Anh Tình cho biết: Năm 2008, gia đình trồng hơn 1 ha sa nhân tím. Một thời gian sau, cây sinh trưởng, phát triển tốt, khi thu hoạch lại được giá nên mỗi năm, gia đình lại mở rộng thêm và đến nay, gia đình có gần 5 ha sa nhân tím. Với gần 5 ha sa nhân tím đến tuổi thu hoạch (đều trên 3 năm), mỗi năm gia đình tôi thu được từ 1 đến 2 tấn quả, mang lại khoản thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng xạ đen tại xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng
Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bắc Xa bắt đầu học tập và trồng. Đến nay, diện tích sa nhân tím trên địa bàn xã Bắc Xa lên tới gần 100 ha, trong đó có gần 50 ha đã cho thu hoạch.
Không phát triển mạnh như cây sa nhân tím ở Bắc Xa, tuy nhiên, mô hình trồng cây xạ đen trên địa bàn xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng bước đầu đem lại hiệu quả rõ nét và mở ra một hướng phát triển mới trong thời gian tới. Ông Chu Vũ Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý cho biết: Tháng 5/2021, sau khi tìm hiểu mô hình trồng cây dược liệu ở một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, UBND xã đã định hướng, hỗ trợ người dân trên địa bàn trồng cây xạ đen với diện tích 1,26 ha. Đến nay, cây xạ đen sinh trưởng và phát triển tốt, có hộ đã thu hoạch vụ thứ ba. Bình quân mỗi năm, việc trồng xạ đen đem lại thu nhập cho người dân khoảng 15 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cây lúa, cây ngô. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn xã hiện đã đến đăng ký với UBND xã để mua giống. Dự kiến năm 2022, diện tích xạ đen của xã tăng thêm 5 ha.
Cùng với 2 xã kể trên, khoảng 5 năm trở lại đây, cây dược liệu phát triển khá mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là 421,22 ha bao gồm một số loại cây như: sa nhân tím 215 ha; cát sâm 67 ha; ba kích 63 ha; trà hoa vàng 35 ha; chè sói, khôi nhung, cốt khí, bình vôi 35 ha…
Trong số những cây dược liệu trên địa bàn, cây sa nhân tím có diện tích cho thu hoạch lớn nhất (khoảng 80 ha) với sản lượng trung bình khoảng 15 tấn/năm, giá bán từ 50.000 đến 185.000 đồng/kg. Những năm gần đây, thu nhập từ trồng cây dược liệu mang lại cho bà con khoảng 3 tỷ đồng/năm. Dự kiến những năm tới, thu nhập từ cây dược liệu tiếp tục tăng mạnh do diện tích một số loại cây như sa nhân, cát sâm, ba kích… sẽ đến thời điểm thu hoạch (như ba kích có giá trị kinh tế ước đạt bình quân 300 triệu đồng/ha).
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định song việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: phần lớn các hộ phát triển theo hướng nhỏ, lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, chưa có liên kết để tạo ổn định đầu ra cho sản phẩm… dẫn tới năng suất, chất lượng không ổn định, giá cả bấp bênh. Để khắc phục tình trạng này, một số hộ dân đã tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây dược liệu để có liên kết trong trồng, bao tiêu sản phẩm, điển hình như: mô hình trồng cát sâm tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; mô hình trồng xạ đen, cát sâm ở xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng; mô hình liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp tại huyện Văn Quan, huyện Tràng Định…
Bên cạnh sự chủ động của người dân, để phát triển cây dược liệu một cách bền vững, ngành chức năng đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể. Ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm cây dược liệu; vận động các hộ dân trồng cây dược liệu liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích doanh nghiệp thiết lập liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm; đưa các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp đến gần hơn với các nhà đầu tư…Qua đó, phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh trồng được 400 ha cây dược liệu.
Với những kết quả đã đạt được và những giải pháp đã đưa ra, hy vọng thời gian tới, mô hình trồng cây dược liệu tiếp tục có những bước phát triển mạnh hơn nữa. Từ đó, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
TÂN AN
Ý kiến ()