Nâng cao hiệu quả bán hàng nhờ thương mại trực tiếp
Kết hợp với thương mại điện tử, thương mại trực tiếp (live commerce) đang mang đến cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp và thậm chí cả người nông dân một kênh bán hàng rộng khắp, dễ tiếp cận, mang lại giá trị vượt trội. Hình thức kinh doanh này đang làm thay đổi ngành bán lẻ và trở thành một trong những xu hướng bán hàng chính trong tương lai.
Hướng dẫn livestream bán hàng cho các hộ dân và hợp tác xã tại vườn mận xã Chiềng Đen (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). |
Với việc thu hút khách hàng chọn và chốt đơn sản phẩm thông qua chức năng trò chuyện trực tiếp (livestream), thương mại trực tiếp mang tính giải trí cao, từ đó làm tăng sức hấp dẫn và sự khác biệt của thương hiệu. Đây là phương thức bán hàng đã rất phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc và giờ cũng đang bùng phát mạnh tại Việt Nam.
Xu hướng bùng nổ
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, chất lượng internet trong nước ngày càng được nâng cao đã tạo nền tảng cho sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam. Thương mại điện tử đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt, trở thành kênh mua sắm hiện đại quan trọng bên cạnh kênh mua sắm truyền thống.
Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, có khoảng 78% người dùng internet Việt Nam tham gia mua sắm thông qua thương mại điện tử. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ này có thể lên đến 10% với tăng trưởng doanh thu dự kiến đạt 32 tỷ USD, gấp hai lần so với năm 2022. Sự phát triển của thương mại điện tử đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế số Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất “Nền kinh tế internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô kinh tế internet đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022. Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022-2025, kinh tế internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm với quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Đỗ Văn Việt, Ban Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, tỷ trọng sử dụng thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng lớn, người tham gia ngày càng đông. Vì vậy, không chỉ bán lẻ mà nhiều ngành hàng khác như du lịch, tài chính,… đều có thể ứng dụng thương mại điện tử vào bán hàng. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng đang có bước chuyển dịch với sự xuất hiện của xu hướng social commerce (mua sắm trên các nền tảng xã hội).
Thương mại trực tiếp trên các nền tảng xã hội mang tính giải trí cao, đánh thẳng vào cảm xúc của khách hàng, vì thế giúp tăng tốc độ bán hàng cũng như tạo ra độ hấp dẫn và sự khác biệt cho sản phẩm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiệu quả bán hàng qua thương mại trực tiếp có thể cao gấp 10 lần so với thương mại điện tử thông thường.
Ngoài ra, hình thức thương mại mới này còn có thể củng cố vị trí với các khách hàng hiện tại và thu hút những khách hàng mới, nhất là những người trẻ tuổi quan tâm đến các hình thức cũng như trải nghiệm mua sắm sáng tạo. Một số công ty sau khi áp dụng thương mại trực tiếp nhận thấy tỷ lệ khán giả trẻ tuổi tăng lên đến 20%. “Với những lợi thế như vậy, thương mại trực tiếp chắc chắn sẽ trở thành xu hướng bán hàng bùng nổ trong thời gian tới”, ông Việt khẳng định.
Yếu tố để thành công
Ngày 24/6 vừa qua, hơn 40 người có tầm ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng mạng xã hội TikTok đã cùng quy tụ về xã Hồng Giang (thuộc huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) để thực hiện các chương trình livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như: vải thiều, mì Chũ, tương La, đông trùng hạ thảo,…
Theo thống kê, trong bốn giờ đồng hồ, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút được 1,7 triệu lượt người xem; hơn 5.000 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm 23 tấn vải thiều. Thậm chí, hai sản phẩm là mì Chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút. Sự bùng nổ của thương mại trực tiếp đang mang lại rất nhiều cơ hội cho người bán hàng.
Không ít nhãn hàng, trong đó có những nhãn hàng nông sản đã thành công trong các phiên bán hàng trực tiếp, đạt doanh số từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Các thương hiệu lớn, nổi tiếng như Samsung, Maybelline, L’Oréal,… cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi, chủ động tổ chức các buổi livestream để bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Trong xu hướng đó, tất nhiên các nền tảng bán hàng qua mạng xã hội cũng có được bước phát triển mạnh mẽ.
Dù mới ra mắt cuối tháng 4/2022, nhưng nền tảng TikTok Shop (tính năng mua sắm trên mạng xã hội Tiktok) đã vượt qua Tiki để trở thành nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ ba tại Việt Nam sau Shopee và Lazada, theo bảng xếp hạng năm 2022 do Reputa công bố. Doanh thu quý I/2023 của Tiktok Shop đạt 6.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 15,5% tổng thị phần doanh thu của các sàn thương mại điện tử.
Thương mại trực tiếp đang trở thành kênh bán hàng thiết yếu cho các thương hiệu, doanh nghiệp khi người dân đã và đang thích nghi với xu hướng này. Để có được chương trình bán hàng trực tiếp thành công, theo ông Đỗ Văn Việt, các thương hiệu cần lựa chọn nền tảng livestream có tính năng bán hàng để thuận tiện cho hoạt động thương mại và trải nghiệm người dùng tốt nhằm tăng tỷ lệ mua hàng.
Mặt khác, các thương hiệu, người bán hàng cũng cần có một kế hoạch marketing bài bản trước, trong và sau buổi livestream để tối ưu hóa lưu lượng người xem, tăng hiệu quả của từng phiên bán hàng; có công cụ thu thập dữ liệu để giúp phân tích tại sao người xem mua hoặc không mua hàng, từ đó có hướng để thay đổi nội dung, hình thức, sản phẩm, kịch bản hấp dẫn hơn. Một cách làm để bán hàng với Live Commerce đạt hiệu quả là xây dựng được mối liên kết với đội ngũ các nhà sáng tạo nội dung – những người có ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội vì họ sẽ luôn biết cách để tạo ra nội dung hấp dẫn giúp tăng lưu lượng truy cập đến các cửa hàng trực tuyến.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()