Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt để xét và giải quyết những vụ tham ô, bắt người trái phép, thu thập ý kiến của nhân dân, thực hiện giám sát các Ủy ban nhân dân (UBND) trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
Từ đó đến nay, với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra Chính phủ (1949 – 1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955 – 1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961 – 1983), Ủy ban Thanh tra nhà nước (1984 – 1989), Thanh tra nhà nước (1990 – 2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2004 đến nay), Thanh tra Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay sau khi được thành lập, Ban Thanh tra đặc biệt đã triển khai nhiều nhiệm vụ giám sát công việc của một số UBND địa phương, xem xét nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo của nhân dân, qua đó chấn chỉnh được nhiều yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động của UBND, xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm và minh oan, trả tự do cho những người bị oan sai, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố lòng tin của nhân dân với chính quyền cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954), các tổ chức thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, huy động công dân tích cực phục vụ tiền tuyến, công tác quản lý tài chính ở một số cơ quan hậu cần quân đội, công tác thống nhất quản lý ngân sách, thu hồi các quỹ ở tỉnh thuộc liên khu Việt Bắc, liên khu IV… Hoạt động thanh tra đã giúp Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét việc chấp hành chủ trương, chính sách ở bên dưới, ngăn ngừa những lệch lạc có thể xảy ra, đấu tranh chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí, củng cố tốt mối quan hệ trên dưới trong quân đội, mối liên hệ quân dân, góp phần đáng kể vào việc động viên nhân dân ra sức sản xuất, bảo đảm đời sống, huy động sức người, sức của cho tiền tuyến.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và chi viện đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1954 – 1975), công tác thanh tra bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ, cứu nước ở miền nam. Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Người chỉ rõ: Thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu; “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.
Sau khi miền nam giải phóng, đất nước thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở miền nam, các tổ chức thanh tra nhanh chóng được thành lập. Thực hiện Nghị quyết 79 của Bộ Chính trị về chống quan liêu, cửa quyền, phiền hà dân, Chỉ thị số 59/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 19/CP của Chính phủ về tăng cường và cải tiến quản lý, ngành thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền nhằm phát hiện và xử lý các tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội. Nhiều cuộc thanh tra chuyên đề về quản lý kinh tế – xã hội được triển khai, góp phần đáng kể vào việc khắc phục, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, ngành thanh tra đã phát hiện những nhân tố mới, những điển hình mới trong phát triển kinh tế – xã hội (như khoán nông nghiệp ở Hải Phòng, khoán trong công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh), đã kịp thời kiến nghị với Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, chính sách.
Trong công cuộc đổi mới (từ năm 1986) và triển khai thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước (từ năm 1991), cùng với sự ra đời của một số văn bản quan trọng như Pháp lệnh Thanh tra và Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo, hoạt động của ngành thanh tra ngày càng đi vào nền nếp. Hoạt động thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đã tập trung thanh tra làm rõ nhiều vấn đề nảy sinh. Nhiều vấn đề nổi lên trong công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền và bức xúc của nhân dân được quan tâm giải quyết, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh thanh tra phục vụ công cuộc đổi mới, ngành thanh tra tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra để phù hợp với nhiệm vụ mới.
Từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Thanh tra Việt Nam đã hoạt động đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Trong công tác thanh tra, ngành thanh tra đã quan tâm đổi mới công tác thanh tra, theo phương thức “làm ít hơn nhưng hiệu quả lớn hơn”, công tác thanh tra tập trung vào trọng tâm, trọng điểm phục vụ cho quản lý, điều hành, chuyển dần từ thanh tra các vụ việc cụ thể sang thanh tra chuyên đề, chuyên ngành và thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan Nhà nước trên các lĩnh vực như: Quản lý sử dụng đất đai, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm thiết bị trường học, dự trữ quốc gia,… Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và kịp thời phát hiện chấn chỉnh những bất cập và hạn chế vi phạm, tiêu cực phát sinh trong hoạt động thanh tra, ngành thanh tra đã áp dụng cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; ban hành các quy trình nghiệp vụ và quy chế về tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra.
Trong năm năm qua, toàn ngành thanh tra đã triển khai 55 nghìn 106 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 56 nghìn 403 tỷ đồng; 39 nghìn 603 ha đất; kiến nghị thu hồi 26 nghìn 495 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 11 nghìn 284 cá nhân; 1.300 tập thể, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 474 vụ việc. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành và kết thúc 101 cuộc thanh tra, qua thanh tra đã phát hiện tổng giá trị sai phạm về kinh tế 19 nghìn 885 tỷ đồng, bảy triệu USD, 10 nghìn 272 ha đất; kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước 5.085 tỷ đồng, một triệu USD; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán 1.935 tỷ đồng; kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, xử lý 8.089 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 63 tập thể và 59 cá nhân, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 13 vụ việc. Kết quả thanh tra đã góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý được nhiều thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; tham mưu cho thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; thường xuyên nắm chắc tình hình, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Ngành thanh tra đã tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, gắn với đôn đốc, hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tìm biện pháp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Định kỳ hằng năm, các cấp thanh tra có báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân để giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Cuối năm 2007, Thanh tra Chính phủ báo cáo và kiến nghị Bộ Chính trị để ra thông báo kết luận số 130-TB/TW về lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với chín giải pháp quan trọng. Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch hướng dẫn các ngành, các cấp tập trung kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại tồn đọng, bức xúc, kéo dài để có kế hoạch giải quyết dứt điểm, góp phần làm giảm số vụ việc và tính chất phức tạp của khiếu nại, tố cáo ở nhiều địa bàn.
Trong năm năm qua, cơ quan hành chính các cấp, các ngành đã tiếp 1 triệu 547 nghìn 750 lượt người, trong đó có 5 nghìn 145 đoàn đông người; tiếp nhận 546 nghìn 192 đơn khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 337 nghìn 746/428 nghìn 093 đơn thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 865 tỷ đồng; 2.531 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 4.770 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 183 vụ việc, 346 người.
Cơ quan Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra xem xét 368 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài do Thủ tướng Chính phủ giao; thành lập nhiều tổ công tác đến các địa bàn để phối hợp rà soát, hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp ở các địa phương, góp phần làm giảm các vụ việc khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương và giảm tình hình khiếu kiện phức tạp ở nhiều địa bàn.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phục vụ phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực. Thanh tra Chính phủ đã giúp Chính phủ xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Đề án trình Chủ tịch nước Phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; Đề án Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và hiện đang có kế hoạch thực hiện chiến lược, đề án. Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện công tác tuyên truyền trong nội bộ và ngoài xã hội về phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng; kê khai tài sản của cán bộ, công chức là người có chức vụ, quyền hạn và các vị trí có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng… Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các cấp thanh tra tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, thiếu sót, nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ và các cấp thanh tra cũng đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 225 vụ việc tham nhũng liên quan 482 người, đã kiến nghị xử lý hình sự 420 người, xử lý hành chính 48 người. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, đối thoại với các nhà tài trợ của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, ngành thanh tra đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo theo hướng tăng thẩm quyền và trách nhiệm cho cơ quan thanh tra, đổi mới cơ cấu tổ chức, hoạt động thanh tra, đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, tăng cường thực hiện xử lý sau thanh tra và thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả của thanh tra. Cùng với các dự án luật, hàng loạt các đề án thể chế có liên quan đến ngành thanh tra từ các quy trình nghiệp vụ, các hoạt động tác nghiệp cụ thể cho đến các đề án mang tầm chiến lược được nghiên cứu và xây dựng, như: Đề án Đổi mới công tác tiếp dân, Đề án Tài phán hành chính…
Trong công tác xây dựng ngành, Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và phối hợp các bộ, ngành trung ương để trình Chính phủ ban hành các Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra các ngành: xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, văn hóa – du lịch, thông tin – truyền thông… Ngành thanh tra đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng cán bộ, trong đó lực lượng thanh tra hành chính được thiết lập ở các cấp hành chính từ Trung ương đến cấp huyện; lực lượng thanh tra chuyên ngành ngày càng phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp thanh tra; tiêu chuẩn về các chức danh trong ngành thanh tra được thiết lập và đưa vào áp dụng. Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như nghiên cứu khoa học thanh tra, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong ngành thanh tra, các hoạt động về thông tin, tuyên truyền báo chí… cũng được tiến hành khá đồng bộ và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đáng chú ý là Thanh tra Chính phủ đã đưa vào áp dụng cơ chế giám sát, kiểm tra nội bộ (nhất là hoạt động của các đoàn thanh tra); chú trọng công tác thi đua khen thưởng gắn với kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong nội bộ. Việc đưa vào thực hiện Chương trình nâng cao năng lực tổng thể của ngành thanh tra (POSCIS) đã và đang là động lực thúc đẩy sự phát triển của Thanh tra Việt Nam.
Chặng đường xây dựng và trưởng thành của Thanh tra Việt Nam trong 65 năm qua rất đáng tự hào. Để đạt được những thành tựu to lớn đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23-11-1945 – 23-11-2010), Thanh tra Chính phủ đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Thanh tra với chủ đề “Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra Việt Nam 65 năm xây dựng và trưởng thành; cán bộ, công chức ngành Thanh tra quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2010”.
Ý kiến ()