Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 28/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trình bày Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2); có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng, phù hợp các cam kết quốc tế mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) và một số đại biểu cho rằng, qua nghiên cứu, tiếp thu, phương án giữ như quy định của Luật hiện hành là xác đáng. Các vi phạm về sở hữu trí tuệ có thể là vi phạm trong các giao dịch dân sự, hoặc có thể là vi phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước. “Phải phân biệt rõ chứ không nên thuần túy cho rằng vi phạm về sở hữu trí tuệ chỉ là phát sinh tranh chấp dân sự. Việc giữ nguyên như quy định hiện hành có cơ sở cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, không mâu thuẫn gì với việc vừa xử lý hành chính vừa giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tòa án”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đó tùy vào tính chất của vi phạm, nếu là dân sự thì giải quyết theo cơ chế dân sự. Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ một mặt có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp theo cơ chế dân sự; một mặt vẫn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý hành chính. Như vậy vẫn tạo thuận lợi cho người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cũng có cơ chế xử lý hiệu quả những vi phạm này. Đáng chú ý, thực tế hiện nay, nếu giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cơ bản bằng cơ chế tòa án, không có xử lý hành chính hay xử lý ở phạm vi hẹp sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống tòa án.
Đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) tán thành không nên thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mà nên mở rộng, tăng tính chủ động trong xử lý hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc xử lý hình sự phải chứng minh nhiều vấn đề. Do đó, vấn đề trụ cột, biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là xử lý hành chính để xử lý nhanh, kịp thời đối với các hành xi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Báo cáo số 87/BC-CP, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn. Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này.
Tuy nhiên, về nội dung cụ thể Chính phủ đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật” là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ nên đề nghị không bổ sung vào Điều 7. Do đó, ghi nhận một phần ý kiến của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7, như sau: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Một số ý kiến cho rằng, nếu không quy định cụ thể quyền liên quan thì xảy ra trường hợp nhân danh sáng tạo nghệ thuật, có quyền liên quan để cản trở, xúc phạm cũng như ngăn cản việc phổ biến, tiếp cận Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó cần thiết có thêm quy định để bảo đảm tính pháp lý, sự tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Giải trình tại hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thay mặt cho ban soạn thảo Luật đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến tất cả các đại biểu đã phát biểu tại hội nghị. Việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo; phối hợp các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật và các tài liệu theo đúng quy định của pháp luật để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Ý kiến ()