Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp: Dấu ấn của các hợp tác xã
LSO- Để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là từng bước tạo vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Thực hiện được việc này, không thể không nhắc đến vai trò của các hợp tác xã (HTX) hoạt động ở lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp.
Tạo nên những mô hình sản xuất lớn
Hiện toàn tỉnh có 107 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 2.210 thành viên và 2.968 lao động (so với thời điểm năm 2012, số HTX ở lĩnh vực này tăng khoảng 50%). Doanh thu bình quân đạt 880 triệu đồng/HTX, tăng khoảng 120 triệu đồng so với năm 2016; nếu so sánh thu nhập ở thời điểm năm 2012 thì doanh thu của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng 71,4%.
Điển hình ở lĩnh vực chăn nuôi có HTX Thịnh Phương ở thành phố Lạng Sơn với mô hình nuôi gà đẻ trứng (hơn 2.000 con), thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Hay HTX Thu Hiền ở huyện Văn Quan với mô hình nuôi lợn thương phẩm (600 con) cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm… Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có HTX Dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong ở huyện Bắc Sơn với thu nhập 45,26 triệu đồng/ha. Còn ở lĩnh vực trồng trọt có HTX Phượng Hoàng ở huyện Chi Lăng với mô hình sản xuất rau quả sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Chỉ tính thu nhập từ 2 loại cây ăn quả chủ lực là: bưởi da xanh và mít Thái, trong năm 2017 đã mang lại cho HTX thu nhập hơn 3,5 tỷ đồng.
HTX Chè dưới tán hồi đầu tư máy móc chế biến chè
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, nhiều HTX đã tạo nên những mô hình sản xuất hiệu quả cao. Đây chính là những mô hình sản xuất mẫu, nhân dân có thể tìm hiểu, học hỏi và nhân rộng. Các HTX đã chủ động thực hiện nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết này được thực hiện theo những cách thức khác nhau, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương.
Các HTX ngoài việc liên kết với nhau, còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn, qua đó từng bước tạo liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Minh chứng rõ nét nhất trong thời gian qua là tạo chuỗi giá trị trong sản xuất na Chi Lăng. Như năm 2017, các HTX đã cùng với chính quyền huyện Chi Lăng chủ động kết nối với các doanh nghiệp lớn, qua đó, tạo nên chuỗi liên kết sản xuất khép kín, do vậy, đầu ra cho sản phẩm ổn định, từ đó, giá trị được nâng lên.
Nâng cao giá trị
Thông qua hoạt động của các HTX, các hộ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản…chủ động liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính điều này đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo thống kê của ngành nông nghiệp so với năm 2008 cho thấy: giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng gần 2 lần; giá trị sản phẩm trồng trọt tăng từ 26,3 triệu/ha/năm lên 58,29 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 1,84 lần; giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng 2,43 lần; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha nuôi trồng thủy sản tăng từ 28,15 triệu đồng/ha/năm lên 45,26 triệu đồng/ha/năm.
Ví dụ như ở HTX Chè dưới tán hồi, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia. Mặc dù mới đi vào hoạt động sản xuất, nhưng giá sản phẩm chè khô đã được nâng lên hơn 17 lần. Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc HTX tâm sự: Cây chè đã được người dân trồng từ hàng chục năm qua, tuy vậy, cách trồng tự phát khiến giá trị chè của bà con sản xuất ra rất thấp, chỉ được 20 nghìn đồng/kg. Từ cuối năm 2017, hơn 30 hộ trồng chè ở xã Tô Hiệu đã thành lập HTX, đồng thời bỏ vốn (hơn 300 triệu đồng) để đầu tư hệ thống máy sao chè, vò lá, đóng túi… Sản phẩm chè dưới tán hồi hiện được đóng gói hút chân không, có tem truy xuất nguồn gốc, được bán với giá 350 nghìn đồng/kg.
Hoạt động của các HTX ở lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có trên 124 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất hằng năm chiếm 90 – 95% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (6,5 – 6,6 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 5 – 10% giá trị sản xuất hằng năm. Thực tế này cho thấy: cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ sản xuất nông nghiệp chủ động thành lập HTX, qua đó, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá sản phẩm.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()