Nâng cao giá trị sản phẩm
LSO- Xây dựng nhãn hiệu tập thể là hoạt động được triển khai mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm của từng đơn vị, tập thể. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, công tác này đang được triển khai mạnh mẽ và mang về những lợi ích thiết thực.
Nông dân huyện Chi Lăng chăm sóc na- sản phẩm đã được
công nhận nhãn hiệu tập thể
Hiệu quả lớn
Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, hình ảnh về na Chi Lăng được quảng bá rộng rãi. Từ chỗ chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các khu chợ của một số tỉnh bạn na Chi Lăng đã xuất hiện tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội… Nhờ đó, thị trường cho loại quả này ngày càng rộng hơn, giá bán cũng cao và ổn định hơn trước. Ông Mai Văn Thuận, thôn Lũng Than, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Giờ đây, mỗi mùa na trở thành mùa vui của chúng tôi vì giá ổn định 30.000 – 40.000 đồng/kg. Đến vụ, mỗi ngày có hàng chục xe tải chờ sẵn tại các chợ để thu mua na của bà con mang đi các tỉnh. Na được giá nên chúng tôi có thể đầu tư chăm sóc, nâng cao chất lượng quả na.
Không riêng na Chi Lăng, sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm như: thạch đen Tràng Định, hồng Bảo Lâm, quýt vàng Bắc Sơn, rượu Mẫu Sơn… được quảng bá mạnh mẽ nên được nhiều người biết đến. Với việc đầu tư tem, nhãn, hộp, túi đựng đẹp, lịch sự các sản phẩm không còn là hàng tiêu dùng thông thường mà được nâng lên một tầm cao mới. Chị Nguyễn Thanh Mai, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thạch đen là món ăn gia đình mình rất thích trong mùa hè. Do nó không có tem, nhãn nên mình chỉ tin tưởng mua chỗ quen. Năm nay, trên mỗi hộp thạch đều có nhãn rất đẹp cùng những thông tin cơ bản khẳng định đó là sản phẩm của huyện Tràng Định nên mình rất yên tâm. Không chỉ mua cho gia đình mình còn dùng làm quà cho bạn bè các tỉnh.
Khẳng định thương hiệu cho sản phẩm đặc sản
Bà Vy Thị Thúy, chuyên viên Phòng Quản lý Công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong năm 2017, sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, thống kê được 47 sản phẩm đặc sản mang đặc trưng riêng của từng vừng, có khả năng phát triển sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, sở trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 975 – QĐ/UBND ngày 3/7/2017 phê duyệt chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020; ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020. Song song với rà soát, thống kê, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 11 lớp tập huấn, trang bị kiến thức và hướng dẫn quy trình cho 600 cán bộ và người dân các huyện, thành phố về xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích các đơn vị chủ động thực hiện.
Cùng với đó, công tác nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm được đẩy mạnh. Vì vậy, thị trường một số sản phẩm đặc sản của tỉnh Lạng Sơn không ngừng được mở rộng. Giá trị kinh tế của sản phẩm tăng lên, tạo niềm tin cho người lao động tích cực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng. Nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu tập thể, nhiều tổ chức chủ động đăng ký và triển khai các hoạt động xây dựng quy trình sản xuất, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu… nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, 6 sản phẩm đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục hiện đang chờ cấp văn bằng công nhận, 7 sản phẩm đang triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể gồm: cao khô Vạn Linh, rau bò khai, ngựa bạch (Chi Lăng), chanh rừng Mẫu Sơn, khoai lang Lộc Bình, rau thành phố Lạng Sơn, cao khô Văn Quan.
Trong điều kiện kinh tế thị trường với rất nhiều sản phẩm như hiện nay, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể giúp phân biệt các sản phẩm với nhau. Cùng đó, khi một sản phẩm được bảo hộ, các cá nhân trong tập thể sẽ nâng cao ý thức xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu của mình, vì vậy, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Đặc biệt, khi đã khẳng định được thương hiệu thì sản phẩm sẽ có chỗ đứng trên thị trường, mang lại công việc và thu nhập ổn định cho người sản xuất. Thời gian tới, công tác xây dựng nhãn hiệu tập thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng mỗi xã, phường 1 sản phẩm.
Ý kiến ()