Nâng cao giá trị sản phẩm
LSO-Những năm gần đây, các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều dây chuyền, máy móc, thiết bị được nâng cấp và sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao, khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Sản xuất gỗ bóc tại Công ty Cổ phần Thịnh Lộc |
Trong những năm qua, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, bên cạnh việc khai thác lợi thế thương mại – dịch vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, khai thác và phát huy những lợi thế sản phẩm nông lâm nghiệp đặc thù, hướng đến xây dựng được các thương hiệu sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, tăng cường công tác khuyến công là một trong những chính sách quan trọng. Các chương trình khuyến công được triển khai hiệu quả đã từng bước thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, năm 2013, theo Chương trình Khuyến công Quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp đã thực hiện Đề án hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất ván ép xuất khẩu cho Công ty Cổ phần Sản xuất lâm sản Thịnh Lộc-Shinec. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án là 14,5 tỷ đồng. Đề án thực hiện thành công đã tạo việc làm cho gần 200 lao động trên địa bàn, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Và thành công hơn cả là chất lượng sản phẩm ván gỗ ép của công ty đã được nâng lên một cách rõ nét, đủ điều kiện để xuất khẩu qua thị trường các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan… Đồng thời, công ty cũng là nơi thu mua phần lớn các sản phẩm gỗ bóc của các hộ gia đình trên địa bàn sản xuất. Trong khai thác và chế biến nông sản, những năm gần đây, tỉnh đã đạt được nhiều thành quả, trong đó nổi bật nhất là nâng cao giá trị sản vật hoa hồi. Từ năm 2012 đến nay, hoa hồi và các sản phẩm từ hồi đã được xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Pháp… Giá sản phẩm hồi đã từng bước ổn định, không còn phụ thuộc nhiều vào tư thương và thị trường Trung Quốc. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm hồi, thực hiện chương trình khuyến công địa phương năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã chọn hỗ trợ Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn, là đơn vị đang thực hiện thu mua và chế biến xuất khẩu sản phẩm hồi lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty cho biết: năm 2014, sản phẩm hồi của công ty đã bước đầu chen chân được vào thị trường một số nước có nhiều rào cản khắt khe về chất lượng sản phẩm như Nhật Bản, các nước châu Âu. Do vậy, để tính đến sự phát triển bền vững trong tương lai, công ty đã đề nghị Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cấp dây chuyền công nghệ để có thể sản xuất ra các sản phẩm từ hoa hồi đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển.
Ông Hoàng Ngọc Biên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh cho biết: Theo định hướng của Sở Công thương, những năm qua, Trung tâm đã thực hiện các chương trình khuyến công theo hướng hỗ trợ nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn. Trong đó ưu tiên những đơn vị đang sản xuất, chế biến và kinh doanh những sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Tới đây, Trung tâm tiếp tục thăm dò và khảo sát tìm hiểu Công ty TNHH Long Tân Lạng Sơn, là đơn vị đang hoạt động thu mua và chế biến nhựa thông xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn nhất. Nếu công ty có nhu cầu và đủ điều kiện thì Trung tâm sẽ lựa chọn để thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm nhựa thông, vốn là nguồn nguyên liệu lớn tập trung tại hai huyện Lộc Bình, Đình Lập và nhựa thông cũng là sản phẩm tạo ra nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn hai huyện này. Bên cạnh thực hiện các đề án hỗ trợ các cơ sở nâng cấp dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị, các chương trình khuyến công cũng tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thông tin doanh nghiệp qua nhiều hình thức như: bản tin khuyến công, tờ bướm, tờ rơi, tạp chí công thương, website Trung tâm Khuyến công.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã chỉ đạo cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trong quá trình thực hiện các đề án khuyến công phải đồng thời tư vấn và tuyên truyền các lĩnh vực liên quan đến sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận kiến thức kỹ thuật về bảo quản chế biến nông sản, khuyến khích cơ sở chế biến nông sản đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học, góp phần nâng cao năng lực sản suất, giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị nông sản. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
ANH DŨNG
Ý kiến ()