Nâng cao giá trị quả ớt
– Quả ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng chủ yếu được xuất bán tươi cho tiểu thương, thời gian qua, giá ớt liên tục giảm khiến người trồng ớt gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ. Xuất phát từ thực tế này, trong năm 2021, nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Cường, Vũ Thị Viên, Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã có ý tưởng sản xuất tương ớt đóng chai nhằm làm giảm áp lực tiêu thụ cho nông dân đồng thời tăng giá trị của quả ớt trên địa bàn.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng nhóm tác giả sản xuất và kinh doanh tương ớt của Trường THPT Chi Lăng chia sẻ: Hằng năm huyện Chi Lăng gieo trồng từ 500 đến 800 ha ớt với sản lượng đạt trên 6.500 tấn. Có thời điểm giá ớt lên đến 100.000 đồng/kg nhưng có thời điểm chỉ 5.000 đồng/kg. Quả ớt được bán chủ yếu là quả tươi, đầu ra không ổn định nên giá thành bấp bênh. Từ thực tế này, chúng tôi đã có ý tưởng sản xuất tương ớt đóng chai nhằm hỗ trợ tiêu thụ và tăng giá trị của quả ớt trên địa bàn huyện.
Sản phẩm “Tương ớt Chi Lăng” được quảng cáo trên các kênh bán hàng
Hiện thực hóa ý tưởng, từ tháng 6/2021, nhóm tác giả đã bắt tay vào nghiên cứu công thức sản xuất tương ớt. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã thử nghiệm nhiều cách làm với hàm lượng, thành phần khác nhau. Sau 2 tháng nghiên cứu, nhóm đã cho ra công thức sản xuất tương ớt hoàn chỉnh với những nguyên liệu chính như: ớt, tỏi, gừng, bột nếp, muối, đường, dấm, quả mác mật… Các nguyên liệu sau khi được làm sạch, sơ chế, nghiền nhuyễn và ủ trong các chum sành… Thành phẩm cho ra có mùi thơm đặc trưng của mác mật, tỏi, gừng, vị cay chua mặn ngọt kết hợp hài hòa tạo ra sự khác biệt với những sản phẩm hiện có trên thị trường. Sau khi sản xuất, nhóm đã giới thiệu sản phẩm đến các quán ăn, người thân, bạn bè dùng thử và nhận được phản hồi tích cực về chất lượng và hương vị. Sau đó, nhóm tác giả tiến hành thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm và sản xuất thử nghiệm, cho đóng chai 250 ml, 350 ml, 500 ml mang tên “Tương ớt Chi Lăng”. Từ khi sản xuất đến nay, trung bình mỗi tháng, nhóm cho ra thị trường khoảng 100 lít tương ớt, mang lại 4,5 triệu đồng lợi nhuận.
Chị Vy Thị Thảo, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Khi thấy sản phẩm “Tương ớt Chi Lăng” có mặt trên thị trường, tôi đã mua chai 250 ml với giá 24.000 đồng về dùng thử. Sản phẩm có hương vị hài hòa, đặc biệt lại có mùi thơm mác mật nên dùng để chấm hay cho vào các món ăn đều rất hấp dẫn. Các thành viên trong gia đình tôi đều rất ưa thích.
Mục tiêu của nhóm tác giả là sản xuất sản phẩm theo hướng hữu cơ; sản xuất dạng hóa các sản phẩm từ ớt như: tương ớt có nhiều cấp độ cay, bột ớt, tương cà… Hiện tại, nhóm tác giả đã và đang xúc tiến, phối hợp thành lập hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, xây dựng xưởng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ớt. Sau khi hợp tác xã được thành lập, nhóm ước tính sẽ tiêu thụ được khoảng 10 tấn ớt tươi/năm tại huyện Chi Lăng, sản xuất với quy 10.000 lít tương ớt/năm cùng nhiều sản phẩm khác từ ớt. Cùng đó, nhóm phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trên địa bàn kỹ thuật trồng ớt, gừng, tỏi theo hướng hữu cơ; tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định.
Với công tác quảng bá sản phẩm và xây dựng kênh bán hàng, hiện nhóm đang tranh thủ các kênh thông tin truyền thông như: mạng xã hội You tube, Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm, tích cực phát triển kênh bán hàng tại các cửa hàng nông sản sạch, gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm của tỉnh, huyện, trên sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn, giao buôn cho các nhà hàng, quán ăn ở trong và ngoài tỉnh…
Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2021, ý tưởng sản xuất và kinh doanh tương ớt của nhóm tác giả Trường THPT Chi Lăng được các thành viên Ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi cũng như hiệu quả tích cực với xã hội và nhận được giải khuyến khích. Với ý tưởng đúng đắn, thiết thực và nhiều cách làm bài bản, thận trọng, tin rằng sản phẩm “Tương ớt Chi Lăng” và các sản phẩm từ ớt của nhóm tác giả của Trường THPT Chi Lăng sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.

Ý kiến ()