Nâng cao giá trị quả na
– Rượu cần được chế biến từ những quả na xấu mã góp phần tích cực trong việc giải quyết đầu ra cho nông dân, đồng thời cũng làm tăng giá trị sản phẩm, bổ sung thêm sản phẩm mới cho thị trường. Đây là ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của nhóm học sinh Trường THPT Đồng Bành, huyện Chi Lăng.
Toàn huyện Chi Lăng có 1.800 ha na, sản lượng mỗi năm đạt trên 18.000 tấn. Mỗi vụ thu hoạch na, thương lái, người tiêu dùng chỉ chọn mua những quả có kích thước lớn, tròn đều còn những quả nhỏ, méo mó thường bị loại bỏ hoặc bán với giá rất rẻ. Cùng đó, quả na khi đã chín, thời gian bảo quản rất ngắn. Với mục tiêu nâng cao giá trị cho quả na Chi Lăng, nghiên cứu thêm những sản phẩm mới từ quả na nhóm học sinh lớp 12A6, Trường THPT Đồng Bành, huyện Chi Lăng gồm: Lý Tố Như, Nguyễn Thị Duyên, Vũ Thị Minh Ngọc, Hoàng Đức Cương, Phạm Lệ Quyên đã nghiên cứu và triển khai ý tưởng khởi nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu cần na Chi Lăng.
Nhóm nghiên cứu sơ chế quả na để làm rượu cần na
Em Lý Tố Như, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Thành phần chính của rượu cần na là quả na chín, trấu và men. Để sản xuất ra 1 bình rượu cần na dung tích 5 lít cần 8 kg na. Quả na sau khi bóc vỏ được trộn với trấu đã làm sạch, men rượu rồi trộn đều. Hỗn hợp sau khi trộn được đưa vào chum ủ từ 90 đến 100 ngày là có thể sử dụng. Khi sử dụng chỉ cần đổ nước đun sôi để nguội vào là có thể dùng được. Chúng em đã phải thử nghiệm rất nhiều lần để xác định được lượng na, loại men, bình đựng phù hợp. Nguyên liệu đơn giản nhưng thao tác thực hiện như: trộn, nén, giã… phải được thực hiện tỉ mỉ, chính xác, quá tay một chút là sản phẩm cho ra không đạt yêu cầu.
Nhóm học sinh bắt đầu nghiên cứu công thức làm rượu cần na từ tháng 6/2019, sau 1 năm nghiên cứu, đến tháng 6/2020 thì cho ra thành phẩm và công thức rượu cần na chuẩn. Rượu cần na khi “chín” có mùi thơm đặc trưng của quả na, vị ngọt thanh mát, hơi cay, hơi chua của hoa quả lên men, nồng độ cồn chỉ từ 8 đến 16%. Ở nhiệt độ phòng, rượu cần na có thể bảo quản từ 3 đến 6 tháng. Trong năm 2021, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 20 bình rượu na, bước đầu đưa sản phẩm ra thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Theo nhóm nghiên cứu, chi phí ban đầu cho xưởng chế biến rượu cần na khoảng 100 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị cơ bản như: mâm, chày, cối, tem nhãn, giá để rượu… Nếu mỗi tháng sản xuất 800 bình rượu cần na thì chi phí cho nguyên vật liệu, thuê nhà xưởng, nhân công, vận chuyển… hết khoảng 155 triệu đồng. Với giá bán từ 220.000 đồng đến 250.000 đồng/bình, doanh thu đạt 186 triệu đồng, lợi nhuận đạt 31 triệu đồng, thu nhập của mỗi thành viên khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Với việc canh tác rải vụ na như hiện nay, nhóm nghiên cứu có thể sản xuất rượu cần na khoảng 10 tháng trong năm.
Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, thư ký Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2021 cho biết: Sản phẩm rượu cần na được các thành viên ban giám khảo đánh giá rất cao bởi đây là một sản phẩm mới từ quả na và có ý nghĩa thiết thực với xã hội. Khi mở rộng sản xuất, sản phẩm này sẽ giúp nâng cao giá trị những quả na có mẫu mã không đạt yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm rượu cần na Chi Lăng đã xuất sắc đạt giải nhất. Ý tưởng cũng đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc năm 2021. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.400 ha na, bên cạnh những quả to, đẹp phục vụ nhu cầu ăn tươi thì còn một lượng không nhỏ những quả không đảm bảo về hình thức. Việc sử dụng quả na bé, xấu mã để làm rượu cần là cách làm có ý nghĩa rất lớn để giải quyết vấn đề tiêu thụ quả na xấu mã. Tin rằng thời gian tới, nhóm tác giả sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Ý kiến ()