Nâng cao giá trị nông sản
LSO-Để phát huy lợi thế lĩnh vực nông nghiệp, huyện Chi Lăng đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị nông sản. Qua đó hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tạo thương hiệu, hướng đến hiệu quả bền vững.
![]() |
Người dân xã Quang Lang thu hoạch khoai tây vụ đông |
Để tạo đà phát triển kinh tế, Chi Lăng đã xác định tập trung vào phát triển một số loại cây chủ lực. Trước mắt huyện tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và thương hiệu cho vùng na và mở rộng diện tích ớt.
Đối với cây na, huyện đã xây dựng thành công vùng sản xuất tập trung với khoảng 1.500 ha, trong đó đã có gần 100 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Vừa qua, để nâng cao giá trị và thương hiệu na Chi Lăng, huyện đã tổ chức hội nghị phát động sản xuất na năm 2017 và vận động đại diện các xã trồng na ký cam kết sản xuất an toàn. Đồng thời, trong vụ na năm nay, quả na Chi Lăng sẽ có tem nhãn và được đóng bao bì đẹp với đầy đủ thương hiệu.
Cùng với cây na, thời gian qua huyện Chi Lăng tập trung phát triển cây ớt. Diện tích ớt trung bình của toàn huyện những năm gần đây khoảng 350 ha, cho sản lượng 3.200 tấn và giá trị kinh tế trên 60 tỷ đồng. Đối với ớt, huyện hướng đến mục tiêu xuất khẩu, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Hiện nay, UBND huyện đang thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đến tìm hiểu, ký cam kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Huyện tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm na và ớt. Hiện nay huyện đang phối hợp cùng các ngành hữu quan và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giám sát quá trình sản xuất của người dân để đảm bảo sản xuất an toàn. Từ đó dần thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm na và ớt Chi Lăng đến kệ hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong nước và quốc tế.
Bên cạnh việc đầu tư cho cây nông nghiệp mũi nhọn, huyện Chi Lăng cũng đẩy mạnh phát triển toàn diện. Trong đó, huyện đã khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng để lựa chọn cây nông, lâm nghiệp phù hợp. Qua đó Chi Lăng đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung như: vùng thuốc lá tại các xã Y Tịch, Gia Lộc; vùng khoai tây ở xã Quang Lang, Chi Lăng; vùng trồng gừng ở xã Thượng Cường… Trong quý I/2017, diện tích sản xuất một số cây chủ đạo trên địa bàn huyện đã tăng khá như: diện tích thuốc lá đạt 600 ha, tăng 247% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 20% kế hoạch đề ra; cây khoai tây vụ đông đạt hơn 122 ha, tăng 21% so với cùng kỳ…
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chi Lăng là huyện nội địa, không có lợi thế về kinh tế cửa khẩu. Để phát triển kinh tế – xã hội, huyện xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị nông sản. Tới đây, huyện sẽ xây dựng khu trưng bày và bán nông sản trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Quang Lang. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến nông đối với từng loại nông sản của từng vùng, hướng đến sản xuất có mục tiêu, định hướng rõ ràng. Với sự đầu tư quy mô, bài bản và chiến lược phát triển hợp lý, Chi Lăng đang từng bước phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị nông sản.
ANH DŨNG

Ý kiến ()