Nâng cao giá trị nông sản
LSO-Thời điểm này đang là giai đoạn đầu của vụ na 2016. Hiện nay các cấp, ngành hữu quan đang tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để mở rộng vùng sản xuất na VietGap. Hoạt động khởi động cho những nỗ lực áp dụng quy trình sản xuất an toàn đối với các nông sản đặc sản khác trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là yếu tố tiên quyết để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản Xứ Lạng.
![]() |
Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thụ phấn cho na |
Mấy năm trước, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có gia đình mạnh dạn đầu tư công sức, bọc nylon cho quả na từ khi quả còn đang ở giai đoạn chăm sóc trên cây. Kết quả, mẫu mã quả na đẹp hơn, ít sâu bệnh, chất lượng quả đồng đều và tốt hơn hẳn. Một số người biết chuyện tìm mua, giá trị vì thế cũng cao hơn.
Thế nhưng đó chỉ là hành động tự phát, không theo quy trình nào cả. Những vụ sau các sản phẩm đơn lẻ ấy không gây được sự chú ý nữa, nhà nông vì thế cũng quay lại sản xuất đại trà như truyền thống.
Năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai mô hình trồng na VietGap tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng với diện tích 10,1 ha. Ngay trong năm ấy, diện tích này được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên một loại cây đặc sản Xứ Lạng được trồng, chăm sóc theo đúng quy trình.
Vụ na 2015, bước ngặt lớn là sản phẩm na VietGap đã lần đầu tiên “lên kệ” tại hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty Cổ phần NhấtNam(Hà Nội). Mặc dù số lượng sản phẩm đưa vào siêu thị chưa nhiều (chỉ hơn 2 tấn) bởi thời điểm giới thiệu sản phẩm đã là cuối vụ, nhưng đây là sự khởi đầu cho việc sản xuất an toàn theo chuỗi (từ đồng ruộng, phân phối đến bàn ăn).
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần NhấtNamcho biết: na Chi Lăng vào siêu thị bán rất nhanh, khách hàng rất ưa chuộng. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế, đó là lượng sản phẩm chưa nhiều, mẫu mã chưa đẹp…
Ông Lý Việt Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: những hạn chế đó là trăn trở của ngành và ngay từ đầu vụ na năm nay ngành đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND huyện Chi Lăng phát động trồng na theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap).
Ngoài diện tích na VietGap đã có, năm nay ngành hữu quan tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân mở rộng vùng sản xuất này. Dự kiến diện tích mở rộng khoảng 30 ha trên địa bàn xã nông thôn mới Chi Lăng. Ngoài ra chính quyền các cấp trên địa bàn vận động, tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn đối với các hộ trồng na.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: để làm cho mẫu mã đẹp hơn, phòng trừ các loại sâu bệnh hiệu quả và an toàn, hiện nay huyện đang đề xuất với ngành chuyên môn áp dụng biện pháp bẫy đối với ruồi đục quả và tiến tới hỗ trợ mở rộng hình thức này.
Hiện nay ngoài Chi Lăng, một số xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng cũng phát triển khá mạnh cây na. Diện tích vùng na Chi Lăng – Hữu Lũng hiện nay khoảng trên 2,3 nghìn héc ta với sản lượng trung bình trên 15 nghìn tấn.
Theo quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tỉnh Lạng Sơn, sản phẩm na Chi Lăng định hướng có thể xuất sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc, Pháp… với lượng 4-5 nghìn tấn mỗi năm và mở rộng tiêu thụ trong nội địa.
Điều kiện tiên quyết để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm chính là tổ chức sản xuất theo quy trình, đáp ứng được các yêu cầu về an toàn. Những hướng đi đang áp dụng với vùng sản xuất na sẽ là tiền đề để mở rộng áp dụng đối với các loại cây ăn quả đặc sản khác trên địa bàn tỉnh.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()