Nâng cao giá trị kinh tế của chanh rừng Mẫu Sơn
(LSO) – Trên dãy núi Công Sơn, Mẫu Sơn (thuộc địa bàn huyện Cao Lộc và Lộc Bình) có nhiều loại sản vật đặc trưng được du khách gần xa ưa chuộng, trong đó có quả chanh rừng. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chị Đặng Thị Múi, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã nghiên cứu, chế biến từ quả chanh rừng thành nhiều sản phẩm khác được thị trường ưa chuộng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn này.
Trên địa bàn tỉnh, cây chanh rừng mọc tự nhiên trên các sườn đồi, thượng nguồn khe suối, lạch nước nhỏ các xã: Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, một số bà con đã nhân giống trồng trên đất vườn đồi của gia đình. Mặc dù nổi tiếng là sản phẩm đặc sản, nhưng nếu không chế biến thì giá trị kinh tế của loại quả này không cao.
Chị Đặng Thị Múi đóng sản phẩm chế biến từ quả chanh rừng Mẫu Sơn
Chính vì vậy, chị Đặng Thị Múi (thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn – thành viên Hợp tác xã Nông trang sinh thái Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn đã nghiên cứu, chế biến chanh rừng thành các sản phẩm khác nhau, góp phần nâng cao giá trị loại quả đặc sản này. Chị Múi cho biết: Tôi thấy quả chanh rừng không bảo quản được lâu, chỉ khoảng 1 tuần là bị hỏng. Vì vậy, đã từ lâu, tôi luôn trăn trở làm sao để phát huy tối đa công dụng của quả chanh rừng để vừa bảo quản được lâu, vừa tăng giá trị kinh tế cao hơn. Sau nhiều năm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, đến tháng 3/2020, tôi đã làm ra được các sản phẩm như: mứt, ômai, sirô… từ quả chanh rừng và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Để làm ra được các sản phẩm đó phải trải qua rất nhiều các công đoạn như: chọn quả; thời gian ngâm, ủ, tách hạt ; trong quá trình nấu phải thật chú ý mới cho ra được sản phẩm đạt yêu cầu… Hiện tại, gia đình chị Múi đang có 2 loại sản phẩm đưa ra thị là sirô đóng lọ 100 ml có giá 50 nghìn đồng/lọ; ô mai, mứt đóng lọ 300 g có giá 40 nghìn đồng/lọ. Riêng trong năm 2020, cả 2 sản phẩm của gia đình đã tiêu thụ được khoảng 3 nghìn lọ, trừ chi phí cho thu nhập gần 100 triệu đồng và đảm bảo thu nhập ổn định hằng tháng cho 2 lao động.
Chị Nguyễn Thị Lan, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Tôi đã biết đến quả chanh rừng tươi có nhiều công dụng, hay làm thuốc từ lâu, nhưng nay có sản phẩm mới được làm từ loại quả này tôi đã được dùng và trải nghiệm. Tôi rất thích sản phẩm sirô làm từ loại quả này, vừa dễ sử dụng, dễ bảo quản và có công dụng trị ho cho trẻ nhỏ, mỗi lần lên Lạng Sơn, tôi đều tìm mua sản phảm này về dùng và làm quà cho bạn bè, người thân.
Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Mẫu Sơn có khoảng 56 ha cây chanh rừng gồm cả cây tự nhiên và người dân trồng, tập trung nhiều nhất tại 3 thôn: Bó Pằm, Nà Mò, Lặp Pịa… mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả tươi, nếu bán được với giá trung bình từ 40 – 50 nghìn đồng/kg thì cho người dân thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, đây cũng là một nguồn thu nhập đáng kể của người dân trong xã. Tuy nhiên, nếu qua chế biến, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều. Trong năm 2020, xã đã vận động thành lập được hợp tác xã Nông trang sinh thái Mẫu Sơn với 16 hộ tham gia, hợp tác xã hướng tới chế biến quả chanh rừng thành nhiều sản phẩm khác. Trong đó, gia đình chị Múi đã đi đầu phát triển sản phẩm này và đang chuyển giao bí quyết để làm sản phẩm mứt, ô mai, si rô cho các thành viên khác cùng thực hiện.
Để các sản phẩm từ quả chanh rừng có thể mở rộng thị trường tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa, chính quyền, người dân cũng như các thành viên Hợp tác xã Nông trang sinh thái Mẫu Sơn mong muốn các ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ quảng bá, phát triển và tiêu thụ sản phẩm để người dân nơi đây có thêm thu nhập, phát triển kinh tế làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()