Nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp
LSO-Với đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng, Lạng Sơn không hiếm những nông sản đặc sản. Một trong những mục tiêu quan trọng hướng đến của Chương trình hành động của tỉnh về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng là nâng cao năng suất chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
![]() |
Năm 2014, na Chi Lăng được mùa, được giá |
VƯƠN MÌNH XUẤT KHẨU
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông lâm sản tập trung. Có thể kể đến vùng cây ăn quả, vùng cây công nghiệp; vùng cây đặc sản như vùng quýt Bắc Sơn, Tràng Định; vùng na Chi Lăng, Hữu Lũng; hồi Văn Quan; thông Đình Lập, Lộc Bình… Từ sản xuất tập trung, nông sản đã dần trở thành hàng hóa phục vụ nhu cầu nội tỉnh, từng bước mở rộng thị trường ngoài tỉnh và vươn tới xuất khẩu.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỷ trọng hàng hóa trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp đến nay đã đạt trên 65%. Một số sản phẩm tiêu biểu bắt đầu vươn ra xuất khẩu. Những sản phẩm xuất đầu tiên có thể kể đến như quýt Bắc Sơn, xuất sang Liên Xô cũ từ những thập niên 80 của thế kỷ trước.
Gần đây hơn là cây thạch đen, vùng trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tràng Định và thị trường chính là Trung Quốc. Nông sản sang trời Âu, cách đây khoảng 10 năm, chúng ta có gừng Quan Sơn (huyện Chi Lăng), hiện sản phẩm này vẫn tiếp tục xuất khẩu theo mùa vụ.
Các sản phẩm “xuất ngoại” nhiều hơn như hồi, trước kia chủ yếu xuất thô qua Trung Quốc. Nay Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn đã chế biến, mở rộng thị trường sang Ấn Độ, Nhật Bản… trung bình mỗi năm xuất khoảng 3.000 tấn. Ngoài ra còn có nhựa thông, chè, sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
Trong giai đoạn 2011-2015, giá trị xuất khẩu nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 57 triệu USD. Sản xuất dần phát huy hiệu quả, giá trị sản xuất tăng đã góp phần quan trọng tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân và khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân xứ Lạng trên đồng đất quê hương. Tuy nhiên so với tiềm năng của tỉnh, giá trị xuất khẩu ấy chưa phải là lớn.
ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Đầu tháng 7/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Quy hoạch đã xác định 19 vùng cây nguyên liệu; định hướng quy hoạch phát triển chế biến và xuất khẩu, đồng thời đưa các giải pháp thực hiện. Các nhóm giải pháp được đưa ra một cách toàn diện, từ các giải pháp về chính sách và thu hút đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn đến phát triển, mở rộng thị trường; phát triển nguồn nhận lực; tổ chức quản lý sản xuất…
Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: những định hướng tổng quát đã giúp cho các cơ quan chuyên môn xác định đúng và trúng sản phẩm, vùng sản xuất để xây dựng các mô hình sản xuất mới, phục vụ xuất khẩu.
Chẳng hạn như đối với sản phẩm na Chi Lăng, định hướng xác định có thể xuất sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc, Pháp…với lượng 4-5 nghìn tấn mỗi năm. Nắm bắt định hướng, năm 2014 Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô hơn 10ha tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (hiện nay đã đánh giá và chứng nhận sản phẩm). Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính, thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quy định và vùng na muốn xuất khẩu được thì mở rộng sản xuất an toàn theo VietGap và một số tiêu chuẩn khác là hướng đi đúng.
Một số huyện đã chủ động thu hút đầu tư, phối hợp với doanh nghiệp liên kết sản xuất với người dân. Điển hình như ở Hữu Lũng với những mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu (G.O.C – Bắc Giang) từ năm 2012. Đến nay đã hình thành được các vùng sản xuất dưa chuột Nhật, ớt, măng Bát độ, tuy rằng diện tích triển khai vẫn ở diện hẹp với con số vài chục héc ta. Nhưng xuất khẩu đã mang lại hiệu quả lớn, người nông dân có thu nhập từ 5- 7 triệu đồng/sào.
Tháng 11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Qua đó đã giao cho các ngành thực hiện 6 chương trình với 40 nhiệm vụ cụ thể là các chính sách, đề án, dự án nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó một trong những mục tiêu quan trọng hướng tới là đáp ứng nhu cầu nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: hiện nay ngành đã và đang tích cực phối hợp với các ngành khác thực hiện Chương trình hành động của tỉnh. Trong đó chú trọng tới nâng cao sức cạnh tranh của nông sản; tăng cường hợp tác và hợp tác quốc tế trong sản xuất; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư…Đó sẽ là động lực quan trọng, tạo đà cho nông sản xứ Lạng mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng tạo sự phát triển nhanh và bền vững trên mảnh đất địa đầu.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()