Nâng cao giá trị đặc sản hồng Vành khuyên
Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng chăm sóc hồng Vành khuyên |
Hỏi các người già ở Tân Mỹ cũng không ai biết được hồng Vành khuyên được trồng ở đây từ khi nào. Chỉ biết khởi nguồn của loại cây đặc sản này là từ thôn Nà Mò. Ông Hoàng Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ kể: từ nhỏ, chúng tôi đã thấy ở trung tâm thôn Nà Mò có cây hồng rất to, thân cây gần hai người ôm và tán rộng xum xuê. Người Nà Mò gọi đây là cây hồng “Tổ”. Quả ở cây Tổ thơm, có vị ngọt mát, nhìn bề ngoài quả căng tròn, vỏ bóng đẹp. Từ cây hồng Vành khuyên ban đầu ấy, người dân trong thôn xén rễ về ươm. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến cây Tổ, trong làng có quy định chặt chẽ về việc xén rễ. Cây ươm mất 1 năm, đưa lên đồi trồng và chăm sóc cẩn thận thì 4 năm sau có quả. Càng những năm sau quả càng sai, đến năm thứ 10, hồng Vành khuyên có thể đạt năng suất từ 1 đến 1,5 tạ/cây.
Giờ thì cây hồng “Tổ” không còn và nhiều gia đình đã chuyển sang phương pháp nhân giống bằng ghép mắt, nhưng cây ghép thường không bền cây bằng phương pháp nhân giống từ rễ. Người trồng hồng lâu năm, có kinh nghiệm thường tuyển chọn những cây hồng tốt nhất, quả đều nhất, hàng năm xén rễ để nhân giống. Ban đầu ở Nà Mò chỉ dăm nhà trồng, chủ yếu để ăn, làm quà. Thế rồi cũng bởi vị ngon rất đặc trưng mà hồng Vành khuyên được nhiều người hỏi mua. Diện tích hồng Vành khuyên cũng vì thế mà tăng nhanh. Đến nay, 18/18 thôn ở xã Tân Mỹ đều trồng hồng Vành khuyên, diện tích lên đến gần 400 ha, trong đó hơn 250 ha đang cho thu hoạch. Anh Hoàng Mạnh Linh, thôn Nà Pục phấn khởi: nhà mình trồng thử nghiệm gần 100 gốc hồng Vành khuyên từ 10 năm trước, đến nay số này cho thu hoạch bình quân trên 10 tấn/vụ. Giá bán hồng Vành khuyên hiện nay dao động trong khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, tư thương đến tận nơi mua. Ông Hoàng Văn Cao, Chủ tịch UBND xã bộc bạch: bây giờ nhà nào có vài héc ta hồng Vành khuyên, thì thu nhập vài trăm triệu đồng/vụ là chuyện bình thường, để nâng cao giá trị, hiện nay xã đang kiến nghị huyện và các ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn địa lý và tạo dựng thương hiệu cho hồng Vành khuyên. Đồng thời, cũng giống như hồng không hạt Bảo Lâm, hiện nay hồng Vành khuyên bắt đầu xuất hiện các hiện tượng rụng quả và sâu bệnh, vì vậy để có thể phát triển bền vững cũng rất cần các cơ quan chuyên môn vào cuộc.
Ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: từ Tân Mỹ, hiện nay hồng Vành khuyên đã được trồng rộng rãi ở Tân Thanh, Hoàng Việt, diện tích hồng Vành khuyên toàn huyện hiện nay vào khoảng trên 600 ha. Hiện nay, trung bình hồng Vành khuyên mang lại thu nhập gần 20 tỷ đồng cho nhà nông. Loại cây đặc sản này đã được định hướng phát triển trong quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu của tỉnh. Trước mắt là phấn đấu đến năm 2015, 50% sản lượng được tiêu thụ trong tỉnh; 40% tiêu thụ tại Hà Nội và các thành phố lớn; 10% được bảo quản tại các kho lạnh phục vụ xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2015, giá trị sản phẩm đạt trên 23 tỷ đồng.
Với những định hướng đó, kèm theo các giải pháp cụ thể, đặc sản hồng Vành khuyên ở Tân Mỹ nói riêng và các xã trong vùng được quy hoạch nói chung đang có những cơ hội phát triển rất tốt. Phát triển sản xuất gắn liền với hình thành vùng sản xuất sản phẩm đặc sản, có tính cạnh tranh cao có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Điều này càng có ý nghĩa khi đây là các địa bàn giáp biên, phát triển cây đặc sản có hiệu quả sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy lùi tình trạng người lao động qua biên giới làm thuê, giữ vững ổn định để phát triển.
Ý kiến ()