Nâng cao giá trị chất lượng và thương hiệu sản phẩm trà của Việt Nam
Là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân, sản phầm trà của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được tên tuổi tại thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để có thể nâng cao được vị thế của mình, Việt Nam cần chú trọng hơn trong công tác gìn giữ và phát huy được chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm trà.
Là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân, sản phầm trà của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được tên tuổi tại thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để có thể nâng cao được vị thế của mình, Việt Nam cần chú trọng hơn trong công tác gìn giữ và phát huy được chất lượng cũng như thương hiệu sản phẩm trà.
Đề cao giá trị văn hóa và tự hào dân tộc
Hiện nay, với vị thế là một trong 5 nước nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trà lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2012, xuất khẩu các sản phẩm trà của Việt Nam đạt khoảng 148 nghìn tấn, thu về 226 triệu USD, tăng 10% cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù vậy, do công tác tuyên truyền, quảng bá còn chưa được đầu tư đúng mức nên các sản phẩm trà của Việt Nam khi bước ra ngoài thương trường quốc tế vẫn chưa khẳng định được đúng với tên tuổi của mình.
Tại hội thảo báo chí với chủ đề “Vì sự phát triển thương hiệu Trà” do Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tổ chức sáng 09/11 tại thành phố Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Ma Thị Nguyệtcho biết, để làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm trà Thái Nguyên nói riêng và trà Việt Nam nói chung, vai trò của các cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng. Bằng mỗi một hình thức thể hiện riêng, cách tiếp cận vấn đề khác nhau, các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ đóng góp công sức để chắp cánh cho thương hiệu trà Việt Nam tiến xa hơn.
Để làm được điều này, theo nhà báo Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn trong việc giáo dục lòng tự hào đối với sản phẩm trà bởi ngoài giá trị về mặt kinh tế, uống trà còn là một nét đẹp văn hóa – tinh thần, mạng đậm tính truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi đất nước.
Việc tạo dựng được tên tuổi trên thương trường đã khó, việc giữ vững được còn khó hơn nữa. Do đó, báo chí cần tích cực hơn trong việc tuyên truyền, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, tăng cường phối hợp với các ban, ngành của địa phương, nhất là những vùng sản xuất trà lớn như Lâm Đồng, Thái Nguyên… để phản ánh một cách rõ nét nhất, trung thực nhất về các sản phẩm trà của Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cần nâng việc quảng bá thương hiệu nên thành nghệ thuật để gìn giữ giá trị thương hiệu một cách ổn định và chất lượng nhất.
Cần có quy hoạch phù hợp với năng lực sản xuất
Bước sang năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng chỉ sau 10 tháng Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 116 nghìn tấn sản phẩm tràvới giá trị kim ngạch đạt 187 triệu USD. Những con số trên đã cho thấy trà Việt Nam mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã từng bước nâng cao được giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Chỉ tính riêng tại tỉnh Thái Nguyên, với giá trị sản xuất trung bình hàng năm khoảng trên 70 triệu đồng/ha, cây trà đang được mệnh danh là cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của các hộ nông dân. Năm 2012, toàn tỉnh Thái Nguyên đã xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga… được trên 7 nghìn tấn sản phẩm trà các loại, thu về 10,77 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của nhiều bạn hàng quốc tế, sản phẩm trà của Việt Nam vẫn còn nghèo nàn về chủng loại, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng riêng, đặc trưng của từng vùng còn chưa đạt, chưa có hệ thống giám sát nội bộ cho và chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác khảo sát thị trường, quảng bá…
TS Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng cả nước hiện đang có khoảng trên 130 nghìn ha vùng nguyên liệu, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 40% công suất của hơn 600 cơ sở chế biến. Chính tình trạng không đáp ứng đủ nguyên liệu so với khả năng sản xuất dẫn tới việc chất lượng sản phẩm không đồng đều, việc thu mua nguyên liệu của các nhà máy cũng không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên chất lượng đầu vào không cao.
Tại một số địa phương, các nhà máy chế biến được xây dựng một cách thiếu kiểm soát làm xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng không dám đầu tư ngược lại bởi niềm tin bị giảm sút. Bên cạnh đó, mặc dù đã được Nhà nước quan tâm nhưng dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.
Do đó, theo bà Lê Việt Nga, ngoài việc chú trọng triển khai các hoạt động khuyến công, khoa học công nghệ… nhằm tăng chất lượng sản phẩm trà cần tập trung hơn vào việc xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi giá trị dài hạn cho ngành; loại bỏ hẳn tình trạng thu mua chỉ theo mùa vụ, kinh doanh không uy tín; triển khai quy hoạch vùng để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn cho vùng nguyên liệu; chủ động nắm bắt thị hiếu khách hàng; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, bán hàng trực tuyến, giảm bớt các khâu trung gian…
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()