Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động
Hiện khu vực Đông Nam bộ tập trung khá đông các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Người lao động ở đây làm việc trong môi trường công nghiệp với cường độ lao động cao nên ít có cơ hội tiếp cận, tham gia các hoạt động văn hoá tinh thần.
Cường độ lao động cao, thu nhập thấp, công nhân ít có thời gian tham gia các hoạt động văn hoá
Một khu nhà trọ của công nhân lao động ở Đông Nam bộ. Những khu nhà |
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và những địa phương lân cận chỉ mới giải quyết được khoảng 10% số công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp có những phòng chỉ rộng trên 12 mét vuông. Điều kiện vệ sinh ở các khu nhà trọ thiếu thốn, cũ và xuống cấp. Tình trạng người lao động thường xuyên làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng thiếu các điều kiện để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu …
Ghé thăm các khu nhà cho công nhân thuê trọ ở bất kỳ địa phương nào trong khu vực Đông Nam bộ cũng thấy khá giống nhau: Những dãy nhà lợp tôn chạy dài, ít thì một dãy, nhiều thì hai dãy quay mặt vào nhau, các phòng chung một lối đi cũng vừa là khoảng không gian chật hẹp vừa đủ để dựng xe và phơi quần áo. Ban ngày, các khu nhà này vắng vẻ vì công nhân đi làm hết, chỉ đến tối mới bắt đầu đông đúc. Đó là khi người lao động trở về nhà trọ sau một ngày làm việc vất vả.
Anh Nguyễn Quang Vinh, công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Đông Xuyên (thành phố Vũng Tàu) cho biết: Phòng trọ gia đình anh thuê trên chục mét vuông, bốn người trong gia đình anh ở đã 5 năm nay rồi. Khu nhà trọ gồm 2 dãy với khoảng 10 phòng chỉ có một lối đi nhỏ, thiếu ánh sáng, rất ngột ngạt. Tuy nhiên, do thu nhập, điều kiện kinh tế, nên cả nhà vẫn phải ở đây vì giá thuê phải chăng. Anh Vinh cho biết: Cả ngày đi làm về mệt, tối đến có cái ti vi, trẻ con giành nhau xem chương trình hoạt hình, nên vợ chồng anh chẳng mấy khi theo dõi tin tức thời sự, văn hoá giải trí. Thêm nữa, cả ngày đi làm mệt nhọc nên cũng muốn nghỉ ngơi, ngủ sớm để còn có sức khỏe mai đi làm tiếp.
Tại khu nhà trọ kế bên Khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), trong căn phòng chưa tới 10 mét vuông, chị Đỗ Thu Hằng (quê Hoà Bình) cho biết: Vì đi làm suốt cả ngày, nên tối về đến nhà, chị em ở chung một phòng chỉ muốn nằm nghỉ và xem tivi một lát rồi đi ngủ. Thường chị em tự nấu ăn cho tiết kiệm, hôm nào phải tăng ca từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về thì ghé chợ ăn tạm rồi về ngủ lấy sức để hôm sau tiếp tục đi làm. Ngày thường là vậy, ngày nghỉ cuối tuần, chị em cũng chỉ quanh quẩn trong dãy nhà trọ vì không biết đi đâu chơi. Hàng xóm của các chị cũng là những người cùng cảnh ngộ. Tình trạng thiếu điều kiện giải trí, tiếp cận với văn hóa, thể thao là khá phổ biến trong công nhân lao động, nhất là đối với nữ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại các khu công nghiệp nằm trên địa bàn các huyện xa trung tâm thành phố lớn, cuộc sống của người lao động càng khó khăn hơn. Làm việc ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã 10 năm nay, anh Trần Văn Đồng (quê Hưng Yên) cho biết, thời gian mỗi ngày của anh và các anh em khác quay vòng với quãng đường từ nhà trọ đến nhà máy và ngược lại. Buổi chiều, sau giờ tan ca, anh và một số đồng nghiệp cũng chỉ ghé quán nước vỉa hè rồi tạt vào quán cơm bụi ăn xong trở về nhà trọ ngủ. Anh Đồng cho biết thêm, nhiều hôm tan ca, tôi muốn đi đá bóng hoặc tham gia tập luyện thể thao nhưng ở khu vực này rất khó để thỏa mãn nhu cầu đó. Còn đi chơi, đi dạo thì phải xuống trung tâm huyện, ngại xa nên thôi…
Theo một khảo sát mới đây của Liên đoàn lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến thời điểm hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đầu tư xây dựng được cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân lao động. Việc tổ chức điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của công nhân lao động chưa được chú trọng. Công nhân lao động thường phải làm việc tăng ca và ít có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn… Hơn nữa, với mức thu nhập thấp, trong khi giá cả dịch vụ đắt đỏ, tiền lương hàng tháng dành cho các chi tiêu thiết yếu gần hết, nên công nhân lao động không dám nghĩ đến nhu cầu giải trí hàng ngày. Thực tế này dẫn đến việc công nhân lao động thiếu điều kiện để thõa mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần như: Vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, giao lưu… sau mỗi ngày lao động vất vả.
Nỗ lực vượt khó, giải quyết nhu cầu văn hoá tinh thần cho người lao động
Biểu diễn văn nghệ phục vụ công nhân lao động tại khu công nghiệp |
Để khắc phục tình trạng trên, không thể phủ nhận những nỗ lực của các địa phương, các cấp, ngành và doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động, đặc biệt, trong năm 2015, các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương theo Nghị định 103/2014/NÐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, công nhân lao động còn được tăng lương hàng năm theo thỏa ước lao động tập thể, tạo tâm lý phấn khởi và sự đồng thuận cao. Trên cơ sở đó, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân được chăm lo ngày càng tốt hơn. Người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Tại hầu hết các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là những doanh nghiệp có đông công nhân lao động như: Công ty Taekwang Vina, Pouchen, Hwaseung, Việt Vinh, Mabuchi Motor, Splendour…, tình hình lao động từ đầu năm đến nay khá ổn định. Công nhân yên tâm lao động sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp cũng là để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chính họ.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, bên cạnh đó, chú trọng các hoạt động thiết thực hướng đến Tháng công nhân năm 2015. Ðồng thời, theo chỉ đạo của Liên đoàn lao động tỉnh, các cấp Công đoàn tiếp tục sâu sát nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của anh chị em công nhân để kịp thời có hướng hỗ trợ, giải quyết, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân.
Là một địa phương có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và gần 20 nghìn doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bình Dương là tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư. Bình Dương cũng là tỉnh thu hút hàng triệu công nhân, lao động từ mọi miền đất nước đến làm việc cho các xí nghiệp, nhà máy. Trong số này không phải ai cũng có cơ may kiếm được việc làm tốt, thu nhập cao, mà đa số là đồng lương có hạn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong các khu công nghiệp ở địa phương này đang là một thách thức không nhỏ. Với quá trình phát triển công nghiệp nhanh, thu hút đầu tư lớn thì số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh với bình quân hàng năm từ 40 nghìn đến 50 nghìn lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1,1 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, chiếm trên 63% dân số toàn tỉnh.
Được thành lập từ năm 2013, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương đã chủ động tham mưu, tổ chức hơn 100 chương trình hành động thiết thực dành cho thanh niên công nhân, trong đó, chú trọng đến hoạt động văn hóa văn nghệ, phục vụ đời sống tinh thần cho thanh niên công nhân. Thông qua hoạt động văn hóa văn nghệ, những thanh niên công nhân ở Bình Dương được hát lên những lời ca, bày tỏ khát vọng, thể hiện sức trẻ trong lao động sản xuất; đồng thời, góp phần tăng cường tập hợp, đoàn kết thanh niên công nhân. Sau 2 năm, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động như: Văn hóa, thể thao, ngày hội trò chơi, xuân yêu thương…., thu hút đông đảo công nhân tham gia.
Theo ông Trần Thanh Liêm – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân: Tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người lao động có được việc làm, đảm bảo thu nhập; tiếp tục cải thiện điều kiện nhà ở cho người lao động; hoàn thiện mạng lưới y tế … Đặc biệt, tỉnh tập trung quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống các khu vui chơi, giải trí để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu giải pháp nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho công đoàn cơ sở; thông qua Hội liên hiệp phụ nữ tập hợp các câu lạc bộ, hiệp hội nhằm tổ chức nhiều hoạt động vui chợi, giải trí, khám bệnh phát thuốc… Tất cả những giải pháp này sẽ góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của công nhân trong thời gian tới, đồng thời, cũng nâng cao nhận thức của người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Trước nhu cầu cấp thiết, để đáp ứng và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động bỏ vốn xây dựng các công trình như: Nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá, sân cầu lông, sân bóng chuyền, hồ bơi, thư viện… cho công nhân lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp như thế không nhiều so với hàng chục nghìn doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ.
Theo một khảo sát tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động tại 9 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này, những doanh nghiệp xây dựng được các khu vui chơi, giải trí cho người lao động chủ yếu tập trung ở những đơn vị mạnh như: Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Điện Phú Mỹ, Công ty Thép Vina Kyoei.… Còn các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến hải sản… thu hút đông lao động, mức thu nhập thấp, thường thiếu sự đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao, giải trí cho người lao động.
Để đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho công nhân lao động, thiết nghĩ, trước hết, cần xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó, cần đảm bảo huy động các nguồn lực từ đầu tư của chính quyền địa phương; sự đóng góp của các doanh nghiệp; nguồn xã hội hóa, tổ chức công đoàn và toàn xã hội. Các dự án quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, khu chế xuất phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển dịch vụ công cộng như: Giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí… Để làm được việc này, các cấp, ngành và địa phương cần dành nhiều kinh phí, quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao phục vụ cho công nhân sau những ngày làm việc căng thẳng. Tổ chức Công đoàn doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, từ đó, tạo ra không khí vui tươi, thân thiện giữa chính quyền, nhân dân địa phương với tổ chức doanh nghiệp và công nhân. Các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cần sớm đưa vào lộ trình phát triển các vấn đề quy hoạch, nhằm có một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh, cũng như tính pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một chỉnh thể văn hóa đa dạng, giàu tính tương tác, thu hút người lao động. Đồng thời, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng lối sống lành mạnh, tình yêu trong sáng, xây dựng các khu trọ văn hóa, khu ký túc xá, nhà ở xã hội văn minh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()