Nâng cao đời sống gia đình công nhân sau dịch Covid-19
Tính đến cuối năm 2021, cả nước đã quy hoạch phát triển 563 khu công nghiệp, 291 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho khoảng 4,07 triệu công nhân, lao động. Việc gia tăng khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh, thành phố lớn, ngày càng thu hút nhiều công nhân về làm việc tất yếu kéo theo nhiều vấn đề an sinh, xã hội phát sinh.
Công nhân may tại Khu công nghiệp Thụy Vân tỉnh Phú Thọ. (Ảnh THÁI DƯƠNG) |
Xét cho cùng, những vấn đề mang tính xã hội, tổ chức công đoàn hay doanh nghiệp tự thân khó có thể giải quyết, nếu không có sự hỗ trợ tích cực, quyết liệt của Nhà nước, các cấp, các ngành liên quan.
Nỗ lực cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động
Với mục tiêu cải thiện đời sống sau dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tổ chức đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp cân đối tài chính, tăng các chế độ, chính sách, phúc lợi giúp người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm lao động sản xuất và gắn bó với doanh nghiệp.
Trong đó, chú trọng nội dung về bữa ăn ca với giá trị thấp nhất từ 20 nghìn đến 25 nghìn đồng/suất trở lên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chi trả các khoản phụ cấp, góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động. Một số doanh nghiệp gộp tất cả các loại tiền hỗ trợ, phụ cấp thành một khoản chung là trợ cấp đời sống cho công nhân lao động, mức tiền dao động từ 200 nghìn đến 650 nghìn đồng/tháng. 8% doanh nghiệp hỗ trợ 100% kinh phí điều trị, tạo điều kiện để công nhân lao động đi khám, điều trị bệnh. Các cấp công đoàn đã thương lượng với người sử dụng lao động trong việc tăng các phụ cấp, hỗ trợ cho người lao động để giảm bớt khó khăn.
Những việc làm cụ thể, như công đoàn cơ sở đàm phán thành công với chủ doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi, với mức hỗ trợ dao động từ 50 nghìn đến 780 nghìn đồng/người/tháng. Hay là, công đoàn đề xuất doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền nhà ở cho công nhân ở xa, phản ánh tới người sử dụng lao động tạo thêm việc làm cho người lao động; xác nhận cho công nhân để hưởng phúc lợi sữa học đường và con họ được theo học các trường tốt, mua chung cư xã hội, mua vé xe buýt giảm giá các tuyến xa…
Nhiều công đoàn cơ sở chủ động đề xuất giao thêm việc cho người lao động do việc ít, tăng ca ít, thu nhập thấp. Khi người lao động gặp khó khăn trong đời sống gia đình, nhiều người lao động đã tìm đến công đoàn để nhờ hỗ trợ, tư vấn. Những vấn đề mà người lao động thường nhờ công đoàn giúp đỡ là: hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại với công đoàn, công nhân, giải đáp các khó khăn, vướng mắc.
Những vấn đề mà người lao động thường nhờ công đoàn giúp đỡ là: hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại với công đoàn, công nhân, giải đáp các khó khăn, vướng mắc.
Bằng sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp từng điều kiện công ty, doanh nghiệp, nhiều công đoàn cơ sở đã có những thương lượng cao hơn luật để đem tới nhiều quyền lợi hơn cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Perfect Vision (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã thương lượng với chủ doanh nghiệp tăng tiền ăn giữa ca cho người lao động từ 20 lên 25 nghìn đồng/suất/người.
Đây là chính sách được nhiều công nhân lao động đón nhận với tinh thần phấn khởi, bởi sự quan tâm kịp thời này sẽ bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho người lao động khi những bữa cơm trong gia đình họ đang thiếu vắng dần chất đạm hoặc phải nhường phần ăn cho những đứa con của mình. Hay Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tăng lương định kỳ hằng năm lên 3% cho tất cả người lao động tại doanh nghiệp. Với mức tăng trên, người lao động tăng thêm thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/người. Đây là niềm vui, nguồn động viên lớn đối với người lao động sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, phụ thêm thu nhập để trang trải chi phí giữa thời “bão giá” như hiện nay.
Nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm gắn bó với công việc, trang trải cuộc sống, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra chính sách, phúc lợi, nhất là chế độ chính sách đãi ngộ tốt nhất đối với nữ công nhân lao động. Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) có gần hai nghìn lao động nữ. Do đó, các chế độ chính sách đối với nữ công nhân luôn được công ty quan tâm. Lao động nữ mang thai tháng thứ 3, thứ 4 có nhu cầu, sẽ được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc đi ca hành chính. Được nghỉ 5 ngày khám thai định kỳ theo quy định mà không bị trừ lương, tiền chuyên cần. Công ty có phòng vắt sữa cho nữ công nhân, hỗ trợ trợ cấp nuôi con 50 nghìn đồng/tháng cho cả nam và nữ công nhân cho tới khi con 6 tuổi.
Còn tại Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7), đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ tốt giúp công nhân yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài như: người sử dụng lao động không bố trí nghỉ phép sẽ trả cho người lao động 300% lương; người lao động có con nhỏ được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng đến hết 18 tuổi; người lao động làm việc từ 10 năm đến 30 năm được tặng kỷ niệm chương, tặng tiền thưởng từ một đến 10 triệu đồng; người lao động mất, hỗ trợ 12 tháng lương…
Đồng bộ chính sách
Tháng 6 vừa qua, tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động, có 10 vấn đề lớn mà công nhân, lao động, tổ chức công đoàn kiến nghị Chính phủ. Trong đó có việc tháo gỡ cơ chế, chính sách nhằm triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hơn 60% công nhân, lao động đang làm việc tại khu vực này là lao động nữ. Đa số là dưới 35 tuổi, đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu về gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non là khá lớn.
Tuy nhiên, nhiều con em của lao động nhập cư phải gửi ở hệ thống trường tư thục, nhóm trẻ vì không có hộ khẩu. Với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5-5,5 triệu đồng/người, chi phí gửi con tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo là vấn đề lớn đối với công nhân, lao động. Từ thực tiễn này, các bộ, ngành Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Chính phủ, ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động. Theo đó, hỗ trợ đối tượng giáo viên mầm non 800 nghìn đồng/tháng; hỗ trợ con công nhân, lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 160 nghìn đồng/tháng.
Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức hỗ trợ này là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ. Đồng thời, đây cũng được đánh giá là một chính sách nhân văn để đầu tư cho tương lai. Tổ chức công đoàn cần sớm vào cuộc, tham gia triển khai và giám sát thực hiện các chính sách này, bảo đảm quyền, lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động trong tình hình mới.
Tỉnh Bình Dương hiện thu hút hơn 1,2 triệu công nhân, lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết: Tổ chức công đoàn đã đề xuất doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ những chính sách, chế độ từng bước giải quyết vấn đề hỗ trợ lao động nữ như: phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; vận động 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân gần nơi làm việc doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho con công nhân… Điều đó góp phần giảm tình trạng thiếu nhà trẻ cho con em người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân yên tâm công tác, sản xuất. Nhà trẻ 28/7 do Liên đoàn Lao động tỉnh đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Bến Cát, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của gần 500 công nhân.
Tổ chức công đoàn đã đề xuất doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ những chính sách, chế độ từng bước giải quyết vấn đề hỗ trợ lao động nữ như: phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; vận động 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân gần nơi làm việc doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho con công nhân…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân
Những việc làm thiết thực, thiết thân của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, người lao động phần nào chia sẻ khó khăn với công nhân, lao động. Tuy nhiên, để công nhân, lao động, lực lượng đang đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP cả nước khôi phục, ổn định cuộc sống, thu nhập thì cần phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các bộ, ngành có liên quan.
Tại diễn đàn Quốc hội, đại diện tổ chức công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Thái Thu Xương đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu để tăng lương càng sớm càng tốt; tìm giải pháp kiềm chế lạm phát, kìm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng; quyết tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách về công tác quy hoạch, đầu tư các thiết chế phục vụ người lao động và con em của họ tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung như: nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở giáo dục phổ thông. Vấn đề chọn sách giáo khoa cũng cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh khi phải chuyển trường do di cư theo cha mẹ trong quá trình mưu sinh.
Cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thôi nhưng giá cả đã “nhanh chân mà chạy trước” rồi. Câu chuyện giá-lương-tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện mà người lao động tha thiết quan tâm. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng…, tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình.
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN HUY THÁI (Bạc Liêu)
Công nhân là lực lượng có vị trí ngày càng quan trọng, có những đặc điểm, đặc thù so với các đối tượng khác nhưng quy định hiện hành lại chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thời gian qua càng làm bộc lộ một vấn đề lớn, rất cần được quan tâm như nhà ở công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân; bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Đại biểu Quốc hội TRẦN VĂN TUẤN (Bắc Giang)
Ý kiến ()