Nâng cao đời sống công nhân ngành cao-su
Công nhân Nông trường 1, Công ty TNHH MTV cao-su Lộc Ninh (Bình Phước) chăm sóc cây cao-su. Đến với Lộc Ninh (Bình Phước) hôm nay, chúng tôi ngắm nhìn không chán mắt những cánh rừng cao-su xanh mướt, kéo dài tít tắp. Sự trù phú đã thay dần dấu tích hoang tàn do chiến tranh tàn phá ở vùng đất cách mạng này.Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống công nhân, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương cùng làm giàu trên mảnh đất của mình, là một trong những "bí quyết" để mầu xanh giàu có thay cho tàn tích của một thời đạn bom ác liệt...Còn nhớ, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là căn cứ cách mạng, là chiến trường ác liệt, bị bom đạn trong chiến tranh tàn phá nặng nề. Khu vực nhà máy chế biến mủ của Công ty TNHH MTV cao-su Lộc Ninh cũng như vườn cao-su bị bom đạn và chất độc da cam phá hủy thành vùng "đồi chết". Dù vậy, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công nhân đồn điền cao-su Lộc Ninh đã đóng góp sức người,...
Công nhân Nông trường 1, Công ty TNHH MTV cao-su Lộc Ninh (Bình Phước) chăm sóc cây cao-su. |
Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống công nhân, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương cùng làm giàu trên mảnh đất của mình, là một trong những “bí quyết” để mầu xanh giàu có thay cho tàn tích của một thời đạn bom ác liệt…
Còn nhớ, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là căn cứ cách mạng, là chiến trường ác liệt, bị bom đạn trong chiến tranh tàn phá nặng nề. Khu vực nhà máy chế biến mủ của Công ty TNHH MTV cao-su Lộc Ninh cũng như vườn cao-su bị bom đạn và chất độc da cam phá hủy thành vùng “đồi chết”. Dù vậy, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công nhân đồn điền cao-su Lộc Ninh đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng. Nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng hoạt động tại đây, được công nhân cao-su đùm bọc, che chở. Sau giải phóng, công nhân công ty bắt tay xây dựng lại vườn cây, nhà cửa, hệ thống giao thông, trạm y tế, trường học… từ đống hoang tàn đầy hố bom, mìn.
Từ chỗ chỉ có hơn 1.000 ha cao-su còn khai thác được cùng một diện tích đất hoang hóa chứa đầy những bom mìn chiến tranh, bằng sự phấn đấu không ngừng trong khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích, nay công ty có hơn 10.300 ha cao-su (chưa kể số diện tích hợp tác đầu tư trồng mới ở Cam-pu-chia) trải rộng trên địa bàn của hai huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Công ty hiện có khoảng 4.600 cán bộ, công nhân viên, được tổ chức thành tám nông trường, hai xí nghiệp, hai nhà máy chế biến, một trung tâm y tế và tám phòng nghiệp vụ.
Những năm qua, Công ty cao-su Lộc Ninh luôn phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn và giành được những thành quả to lớn, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, bảo tồn và phát triển nguồn vốn Nhà nước.
Để người lao động gắn kết với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty xem việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên và người lao động là mục tiêu hàng đầu. Từ nhiều năm qua, công ty áp dụng trả lương theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động. Hình thức này tạo đòn bẩy kinh tế kích thích người lao động hăng hái sản xuất, giữ gìn vườn cây, bảo vệ sản phẩm. Nhờ đó, năng suất lao động tăng lên đáng kể, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Nếu thu nhập bình quân năm 2002 gần 1,1 triệu đồng/người/tháng thì năm 2011 đã lên tám triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 7,3 lần so với năm 2002.
Công ty còn xây dựng quỹ phúc lợi cho công nhân vay hơn hai tỷ đồng không tính lãi và đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” cho công nhân vay với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Nhờ đó góp phần xóa bỏ hoàn toàn nhà ở bằng tranh tre của công nhân, không còn hộ công nhân nghèo. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình công nhân đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi với những trang trại, vườn cao-su, vườn tiêu, cà-phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ năm 1990, công ty đã có chủ trương thu tuyển đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân. Hiện có gần 300 công nhân của công ty là người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cùng địa phương tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, giúp đồng bào định canh, định cư, hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy. Nhiều công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhà ở, thu nhập ổn định và các phương tiện phục vụ đời sống khác.
Với tinh thần hỗ trợ thiết thực địa phương, công ty cũng đã thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân trong vùng. Nhiều năm qua, công ty đã trở thành địa chỉ tin cậy hỗ trợ nông dân về cây giống, kỹ thuật, đào tạo tay nghề, thu mua, gia công chế biến và tiêu thụ mủ cho các hộ trồng cao-su tiểu điền. Sự hỗ trợ này làm đòn bẩy cho địa phương phát triển mạnh cây cao-su, giúp bà con nông dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao-su Lộc Ninh Nguyễn Đức Tín, cho biết: Thời gian tới, công ty tiếp tục phấn đấu duy trì trong nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu toàn ngành về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; duy trì mức thu nhập cao cho người lao động; xây dựng đơn vị vừa đạt hiệu quả cao về kinh tế, vừa góp phần giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân trên địa bàn đóng chân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()