Thứ 7, 08/02/2025 01:00 [(GMT +7)]
Nâng cao dân trí nơi thành phố biên cương
Thứ 4, 17/10/2012 | 09:54:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày 22/8/2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 15-NQ/TU “về tăng cường xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn đến năm 2010”. Đây là một quyết sách quan trọng, tạo vận hội để thành phố Lạng Sơn phát triển toàn diện về mọi mặt, trong đó có công tác Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
![](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/201210/medium/242619_8.jpg)
Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Tam Thanh
Mặc dù đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học- xóa mù chữ từ năm 1995, song với đặc điểm của một thành phố nơi biên giới và có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, lại có nhiều thôn khó khăn thuộc các xã ngoại thành, công tác GD&ĐT TP Lạng Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn. Quán triệt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghiên cứu, triển khai Chương trình hành động số 68 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, ngành GD&ĐT thành phố đã tiến hành thực hiện từng bước để đẩy nhanh sự phát triển của công tác GD&ĐT… Bằng các giải pháp đồng bộ, năm 2000, thành phố đã hoàn thành phổ cập THCS và năm 2004 được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Năm 2008, thành phố đã xúc tiến triển khai điều tra công tác phổ cập giáo dục THPT, kết quả là đã có 5 phường nội thị đạt phổ cập THPT với các tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT đề ra. Theo thống kê, năm 2010, toàn thành phố đã cơ bản xóa mù chữ với tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ đã đạt 99,17%, tổng số người từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 92,4%.
Hệ thống giáo dục phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ 21 trường và cơ sở GD năm 2000, đến nay toàn thành phố đã có 35 trường và cơ sở GD, trong đó tỷ lệ trường và cơ sở GD ngoài công lập đã chiếm 20%, chủ yếu là các trường và cơ sở giáo dục mầm non. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trên cơ sở chất lượng đại trà để phát hiện và bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn, trong 10 năm qua, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (QG) được chú trọng đặc biệt. Bằng sự tổng hợp của các nguồn lực, từ trường tiểu học chuẩn QG đầu tiên là Trường Tiểu học Vĩnh Trại, đến nay toàn thành phố đã có 19 trường học đạt chuẩn QG, chiếm tỷ lệ 68% tổng số trường công lập trên địa bàn, trong đó có 4 trường mầm non, 9 trường tiểu học và 6 trường THCS. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một tỉnh đang phát triển, trên địa bàn thành phố tập trung nhiều trường THPT chất lượng cao và trung tâm giáo dục thường xuyên như Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Việt Bắc, Trường THPT Ngô Thì Sỹ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên I, nhiều trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, nhiều cơ sở dạy nghề. Đây chính là “lực hút” tạo sự phát triển mạnh mẽ của công tác giáo dục thành phố. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành GD&ĐT mà điển hình là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được ngành GD&ĐT thành phố duy trì, vì vậy chất lượng GD&ĐT được nâng cao; số học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp QG hằng năm luôn chiếm gần 50% trong tổng số học sinh giỏi các cấp học của toàn tỉnh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp bao giờ cũng cao nhất tỉnh. Đây chính là kết quả sự phát triển về chất lượng của tất cả các cấp học từ cấp mầm non đến THPT, và số học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ra trường là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho rằng, chưa bao giờ công tác GD&ĐT thành phố phát triển mạnh mẽ và toàn diện như trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Dân trí được nâng cao không những đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nếp sống văn minh trên thành phố trẻ, mà quan trọng là sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn tỉnh.
Từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học trên địa bàn sẽ nhanh hơn và sẽ đạt 180 ngàn dân vào năm 2015, việc đầu tư xây dựng mở rộng trường lớp vẫn là vấn đề cần quan tâm. Theo quy hoạch chung về xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2025 và quy hoạch GD&ĐT của tỉnh, giai đoạn 2011-2015, thành phố sẽ có thêm 10 trường chuẩn QG; hoàn thành chuẩn THPT cho 3 xã ngoại thành để toàn thành phố được công nhận phổ cập THPT. Đây là những công việc khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực nhiều hơn của ngành để công tác GD&ĐT thành phố xứng đáng là “đầu tàu” của ngành GD toàn tỉnh.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()