Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Nỗ lực giảm chi phí gia nhập thị trường
– Năm 2020, chỉ số chi phí gia nhập thị trường của tỉnh đạt 8,77 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là chỉ số có điểm số cao nhất trong các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn. Những nỗ lực của các cấp, ngành thời gian qua đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thuận lợi hơn trong việc thành lập và đi vào hoạt động, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng Tam Phát, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc là một trong những doanh nghiệp mới thành lập vào cuối tháng 8/2021. Ông Vy Văn Út, Giám đốc công ty cho biết: Công ty của tôi trước là hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Quá trình thành lập, tôi được cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tư vấn chi tiết từng thủ tục, giấy phép theo quy định để lập hồ sơ. Sau khi nộp hồ sơ, 3 ngày đã hoàn thành, tôi cảm thấy rất hài lòng về thời gian và thái độ làm việc của cán bộ tiếp nhận.
Cán bộ Sở KH&ĐT tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của chủ doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Không chỉ doanh nghiệp của ông Út, mà các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian gần đây đều cho rằng công tác giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ được hỗ trợ rất nhanh. Hiện nay, thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được công khai và thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chỉ mất 3 ngày; thời gian trung bình để thay đổi đăng ký doanh nghiệp là 5,5 ngày (từ năm 2020), giảm 1,5 ngày so với năm 2017. Đặc biệt, có 80% số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết trước hạn, 20% đúng hạn, không có hồ sơ quá hạn. Việc giải quyết các loại “giấy phép con” sau khi doanh nghiệp được thành lập (liên quan đến các vấn đề về thuế, bảo hiểm, xây dựng, chứng chỉ hành nghề…) cũng được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện, cơ bản đều đã rút ngắn được thời gian thực hiện.
Để có được kết quả trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố, không chỉ trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch mà còn nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ chuyên môn. Bà Lưu Thị Vân Anh, chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cho biết: “Tận tình, tỉ mỉ, chính xác, đầy đủ” là điều tôi luôn tâm niệm khi tư vấn cho các chủ doanh nghiệp đến làm thủ tục đăng ký thành lập để họ không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí. Để thực hiện điều đó, chúng tôi luôn trau dồi, cập nhật các quy định liên quan của luật, nghị định, thông tư và những kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Nhờ cải cách, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính và sự nỗ lực, tận tình của từng cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, từ năm 2017 trở lại đây, số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2017 – 2020, đã có trên 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, trung bình mỗi năm có hơn 380 doanh nghiệp được thành lập, tăng trên 60% so với giai đoạn trước. Trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng số doanh nghiệp được thành lập lại nhiều nhất từ trước đến nay với trên 300 doanh nghiệp mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên hơn 3.350 doanh nghiệp.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật (áo trắng) tư vấn cho khách hàng trong ngày khai trương cửa hàng mới vào đầu tháng 10/2020
Trong 4 năm qua, chỉ số chi phí gia nhập thị trường của tỉnh đã có sự tăng điểm rõ rệt. Cụ thể, tăng từ 6,92 điểm (năm 2017) lên 8,77 điểm (năm 2020), đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố, góp phần đáng kể vào việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh.
Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Sự vào cuộc đồng bộ, triển khai thực hiện nhất quán, quyết liệt của các cấp, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của cán bộ là nguyên nhân cốt lõi mang đến thành công. Sự cải thiện về chỉ số chi phí gia nhập thị trường, trong đó, 10 chỉ tiêu đều có sự tăng điểm chính là minh chứng cho thấy sự hài lòng của doanh nghiệp. Đây cũng là kinh nghiệm quý để Sở KH&ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp để giữ vững, tăng điểm chỉ số này nói riêng, cải thiện chỉ số PCI nói chung. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh công bằng, nâng cao lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Việc cải thiện chỉ số chi phí gia nhập thị trường vừa cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vừa cho thấy sự hài lòng của các doanh nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, với những kinh nghiệm từ việc cải thiện chỉ số này, các cấp, ngành của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để cải thiện những chỉ số còn lại, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh
Chi phí gia nhập thị trường là chỉ số đo lường về thời gian doanh nghiệp phải chờ để đăng ký doanh nghiệp và thời gian để nhận được tất cả các loại giấy phép cần thiết (thủ tục về thuế, bảo hiểm, xây dựng, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh…), bao gồm 10 chỉ tiêu như: số ngày đăng ký doanh nghiệp; thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; thủ tục đăng ký doanh nghiệp được niêm yết công khai… |
Ý kiến ()