Nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu khai mạc, chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo trình bày tại hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách tư pháp; đề ra 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử; tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và tổ chức đối thoại giải quyết các vụ án hành chính.
Ngành đã thí điểm thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở Tòa án nhân dân hai cấp của Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc thuộc Trung ương; xây dựng Đề án báo cáo Ban Bí thư cho phép áp dụng mô hình này trong toàn quốc và xây dựng Dự án Luật hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại tòa án, trình Quốc hội,…
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải quyết, xét xử có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các tòa án đã giải quyết 1.379.709/1.438.845 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 95,9%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần qua các năm (năm 2016 là 1,3%, năm 2017 là 1,2% và năm 2018 là 1,14%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; việc hướng dẫn, áp dụng pháp luật và phát triển án lệ được đổi mới và tăng cường, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn trong xét xử và đóng góp tích cực vào phát triển khoa học pháp lý.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác tổ chức cán bộ; xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được chú trọng. Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Tòa án Việt Nam, thu hút các nguồn lực tài trợ, trao đổi và học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp được đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án; công tác thông tin tuyên truyền có nhiều đổi mới.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong bộ máy Nhà nước ta, tòa án nhân dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Những năm qua, chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa liên tục giảm dần qua các năm. Tòa án các cấp đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần hiện thực hóa và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều vụ án lớn được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Từ năm 2016 đến năm 2018, các Tòa án đã xét xử đạt tỷ lệ 93,5% về số vụ, 93,6% số bị cáo phạm các tội tham nhũng, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.
Đồng thời, ngành tòa án có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong phạm vi cả nước; tập trung xây dựng tòa án nhân dân công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Hệ thống tổ chức của tòa án các cấp không ngừng được hoàn thiện, có đội ngũ cán bộ trưởng thành qua thực tiễn, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Các tòa án đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế, thiếu sót; tập trung thảo luận, phân tích kỹ nguyên nhân, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác. Cụ thể như: tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan còn cao, thậm chí có bản án áp dụng sai pháp luật; đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng và giải quyết chậm.
Đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tòa án các cấp chưa làm rõ trong bản án tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Một số bản án không khả thi, tỷ lệ giải quyết án hành chính không đạt yêu cầu cả về chất lượng, số lượng và thời hạn. Chất lượng giải quyết án dân sự, kinh doanh, thương mại chưa cao. Năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác, bị xử lý.
Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, trong đó tòa án đóng vai trò trung tâm là nội dung quan trọng để không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi bản án phải thực sự “tâm phục, khẩu phục”, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, được công chúng đồng thuận; tạo ra được các chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, có tác dụng giáo dục pháp luật và định hướng hoạt động của xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các tòa án là nâng cao chất lượng xét xử; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, ngành tòa án không ngừng chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng ngành; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái. Chú trọng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo tòa án các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo tòa án; luân chuyển cán bộ, thử thách trong môi trường thực tế khác nhau đối với những cán bộ thuộc diện quy hoạch chức vụ lãnh đạo ở tòa án các cấp.
Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục những yếu kém trong công tác xét xử; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh. Các đảng bộ tòa án các cấp phải tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thẩm phán cũng phải nêu gương như đảng viên lãnh đạo. Chúng ta chỉ có thể có được đội ngũ thẩm phán tốt, đáng tin cậy trên nền của đội ngũ đảng viên tiên phong, gương mẫu.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tòa án. Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực trong các hoạt động của ngành trong cả nước
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ tòa án, quan tâm, tạo điều kiện để tòa án các địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng đến công tác tổ chức cán bộ, hỗ trợ tạo điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất cho tòa án…
Đồng chí mong rằng, với nỗ lực và quyết tâm cao; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dù phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức và không ít cám dỗ, đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án các cấp sẽ luôn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp năm 2018.
Trong hai ngày làm việc 14 và 15-1, hội nghị tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác chuyên môn, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về tổ chức bộ máy của các tòa án nhân dân; cơ chế phân bổ, quy trình bổ nhiệm thẩm phán và các chức danh tư pháp khác; về chế độ, chính sách đối với thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án; về biên chế, công tác quản lý và các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của các tòa án nhân dân; tiến hành giới thiệu quy hoạch cán bộ.
Hội nghị cũng đã quán triệt Chỉ thị số 26 ngày 6-11-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc,…
Ý kiến ()