Nâng cao chất lượng xây dựng luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA Ngày 17-11, Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 21, các đại biểu thảo luận về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII và dự án Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật.Xây dựng luật xuất phát từ nhu cầu thực tếThảo luận về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, đa số đại biểu đồng tình với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH, tuy nhiên đề nghị bổ sung vào chương trình một số dự án luật, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tế.Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xây dựng luật trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của nhân dân. Khi xây dựng một dự án luật, Ban soạn thảo cần xem xét nhu cầu đó là của hàng triệu người dân, hay nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, hay nhu cầu của một nhóm người trong xã hội để xác định tính cấp thiết. Các...
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Xây dựng luật xuất phát từ nhu cầu thực tế
Thảo luận về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, đa số đại biểu đồng tình với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH, tuy nhiên đề nghị bổ sung vào chương trình một số dự án luật, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xây dựng luật trước hết phải xuất phát từ nhu cầu của nhân dân. Khi xây dựng một dự án luật, Ban soạn thảo cần xem xét nhu cầu đó là của hàng triệu người dân, hay nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, hay nhu cầu của một nhóm người trong xã hội để xác định tính cấp thiết. Các đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị, cần xác định thứ tự ưu tiên trong xây dựng luật, pháp lệnh. Trước hết, cần quan tâm sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan đến quy hoạch, xây dựng đô thị. Hiện nay, mặc dù đã có Luật Đất đai, nhưng còn nhiều bất cập trong thực hiện, nhất là những quy định về đền bù trong việc thu hồi đất, giao đất, khiến 80% khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai. Cùng với đó, cần quan tâm xây dựng các luật liên quan đến người lao động theo hướng từng bước nâng cao đời sống của người lao động nói riêng và của nhân dân nói chung, góp phần ổn định xã hội.
Nhiều đại biểu đề nghị, chúng ta đang nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Hiến pháp, do vậy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII cần căn cứ vào nội dung bổ sung, sửa đổi Hiến pháp để xây dựng, ban hành luật không trái với Hiến pháp. Nhiều đại biểu đồng tình với dự kiến của QH sẽ tổ chức hội nghị đại biểu QH chuyên trách để góp ý kiến vào các dự thảo luật trước khi trình QH xem xét, thông qua.
Đề cập tính khả thi của luật, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua chúng ta ban hành nhiều luật nhưng có những luật tính khả thi không cao, chậm đi vào cuộc sống, do không có văn bản hướng dẫn thi hành. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị, cần quan tâm việc triển khai thực hiện luật, kiên quyết không xem xét những dự án luật không có Nghị định và văn bản hướng dẫn thực hiện đi kèm. Đồng tình với quan điểm nói trên, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, các dự án luật đưa ra phải bám sát thực tiễn, không để lợi ích nhóm, lợi ích ngành ảnh hưởng đến công tác xây dựng, ban hành luật. Liên quan đến chất lượng xây dựng luật, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị, khi trình QH các dự án luật, Ban soạn thảo cần trình kèm theo báo cáo kết quả điều tra xã hội học về tác động của luật với đời sống xã hội và tính cần thiết của việc ban hành luật dựa trên cơ sở khoa học, tránh tình trạng chưa đủ căn cứ nhưng vẫn trình luật cho đủ số lượng.
Đưa pháp luật vào cuộc sống là hết sức cần thiết
Thảo luận dự án Luật Phổ biến, Giáo dục pháp luật (PBGDPL) hầu hết ý kiến phát biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH về sự cần thiết ban hành luật này và nhấn mạnh việc đưa pháp luật vào cuộc sống là việc làm hết sức cần thiết hiện nay. Phạm vi điều chỉnh của luật quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện PBGDPL; nội dung, hình thức và các điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL nhằm bảo đảm quyền của công dân được thông tin về pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của công dân được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Một số ý kiến tán thành quy định như dự thảo, nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng, dự thảo chưa thể hiện được đối tượng chung nhất được PBGDPL và chưa đưa ra được đối tượng thụ hưởng, mà chủ yếu là quy định trách nhiệm của Nhà nước (Triệu Thị Thu Phương – Bắc Cạn, Nguyễn Xuân Trường – Hải Phòng, Phạm Tất Thắng – Vĩnh Long…). Về Hội đồng phối hợp PBGDPL (khoản 3 Điều 5) nhiều ý kiến phát biểu tán thành việc thành lập hội đồng này (Bùi Văn Xuyền – Thái Bình, Ly Kiều Vân – Quảng Trị, Nguyễn Xuân Trường – Hải Phòng, Trịnh Ngọc Thạch – Hà Nội, Phạm Trường Dân – Quảng Nam). Tuy nhiên, đề nghị không giao Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập mà cần quy định ngay trong luật, trong đó quy định cụ thể cả cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng. Nhiều ý kiến tán thành quy định (ở Điều 6) về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Trịnh Ngọc Thạch – Hà Nội, Huỳnh Thành Đạt – TP Hồ Chí Minh,…). Cũng có ý kiến cho rằng, ở nước ta đã có quá nhiều ngày kỷ niệm, cho nên không cần quy định về Ngày Pháp luật, gây tốn kém (Phạm Trường Dân – Quảng Nam).
Các đại biểu quan tâm vấn đề xã hội hóa Công tác PBGDPL cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì cần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cho công tác này. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật mới chỉ quy định chung chung “Nhà nước thực hiện xã hội hóa”, “khuyến khích”, “hỗ trợ”, “có chính sách hỗ trợ” (khoản 4 Điều 3, khoản 2 Điều 14). Dự thảo Luật chưa đưa ra được các quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy việc xã hội hóa đối với công tác này, thí dụ như được hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể như thế nào, được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính, thuế?
Đối tượng được PBGDPL cũng thu hút nhiều đại biểu quan tâm. Theo ý kiến nhiều đại biểu, mục đích trước hết của phổ biến, giáo dục pháp luật là phải làm sao cho đại bộ phận người dân nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật để thực hiện đúng pháp luật. Dự thảo Luật tuy đã được tiếp thu, chỉnh lý, nhưng vẫn chưa thể hiện rõ được quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng chung là đại bộ phận người dân. Với đối tượng này cần thường xuyên, liên tục thực hiện việc phổ biến, giáo dục những kiến thức pháp luật phổ thông, thiết thực với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của mọi công dân.
Về các đối tượng đặc thù trong PBGDPL, cần làm rõ hơn cơ sở của việc xác định các đối tượng này. Nếu xác định các đối tượng đặc thù này được “ưu tiên” vì lý do gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật như đã nêu trong Tờ trình thì các đối tượng khác như nông dân, người già, người nghèo… cũng gặp khó khăn tương tự thì giải quyết ra sao.
Các ý kiến phát biểu còn đề cập nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường, và các quy định về báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()