Thứ 7, 23/11/2024 05:23 [(GMT +7)]
Nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử trong trường học
Thứ 4, 21/09/2011 | 09:03:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Khi khởi xướng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bộ GD&ĐT cho rằng nâng cao chất lượng văn hóa ứng xử trong nhà trường là một trong những “điểm nhấn” của phong trào này.
Giờ học ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ, T.P Lạng Sơn |
Đã có nhiều định nghĩa về văn hóa nhà trường và nhiều nhà trường đã có quy định về ứng xử văn hóa trong trường học. Tuy còn nhiều cách hiểu khác nhau, song nhìn chung, nhiều người thừa nhận, văn hóa nhà trường là một tập hợp các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử trong nhà trường. Văn hóa nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của nhà trường và có những biểu hiện cụ thể như tính hợp lý của các công trình xây dựng, các thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập; bầu không khí dân chủ, cởi mở, tin cậy và ở đó mỗi thành viên được tôn trọng.
Trong nhà trường, mỗi cán bộ, giáo viên có tinh thần trách nhiệm, hợp tác và chia sẻ những kinh nghiệm, cùng nhau khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Văn hóa nhà trường tạo môi trường học tập và phấn đấu cho học sinh. Ở đó, học sinh thấy thoải mái, an toàn, vui vẻ vì họ được tôn trọng, được thừa nhận và cảm thấy mình có giá trị và gắn bó với mái trường; họ cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Từ đó, khuyến khích sự tự tin, khơi nguồn sáng tạo. Điều dễ nhận thấy trong những năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở tỉnh ta là CSVC của các nhà trường đã khang trang hơn, đồng bộ hơn.
Cùng với việc mở rộng diện tích đất đai theo quy hoạch GD của các địa phương, các nhà trường đã quan tâm xây dựng tường rào, làm biển trường, các phòng học, phòng chức năng được đầu tư tốt hơn; các công trình vệ sinh cho học sinh và giáo viên được xây dựng, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, các thiết bị cho dạy và học được bổ sung. Được đầu tư khá đồng bộ về CSVC, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chú trọng đổi mới quản lý, cải tiến phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực chủ động của học sinh; phát triển nhân cách tích cực hướng tới sự thành công trong học tập và những giá trị cuộc sống.
Song song với việc rèn luyện đạo đức, việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm, ngoài việc giáo dục theo hình thức tích hợp các bộ môn, giáo dục ngoại khóa, các hoạt động đoàn đội… nhà trường còn tìm hiểu nội dung chương trình thực nghiệm của Bộ GD&ĐT về GD kỹ năng sống, bố trí sắp xếp 5 chủ đề phù hợp với học sinh thành phố như chống thuốc lá, rượu bia, phòng tránh ma túy, ứng phó với các tình huống căng thẳng (trong học tập, các mối quan hệ, khi tham gia giao thông…), phòng tránh HIV/AIDS, quyền trẻ em… với tổng số 150 tiết/ năm học. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong trường học và GD kỹ năng sống đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Nếu năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh được xếp hạnh kiểm tốt chỉ chiếm 65,5% và còn 4,4% hạnh kiểm trung bình, thì năm học 2010-2011 tỷ lệ hạnh kiểm tốt đã là 74,5% và chỉ còn 2,8% loại trung bình. Là một trường THPT khu vực thị trấn, gồm học sinh trong lứa tuổi từ 15-18, lứa tuổi đang hình thành và khẳng định nhân cách, Trường THPT Lương Văn Tri (Văn Quan) tăng cường GD học sinh theo quy tắc ứng xử đối với học sinh; đẩy mạnh các hoạt động bổ trợ thu hút các em vào sân chơi bổ ích, loại trừ bạo lực học đường.
Trường THPT chuyên Chu Văn An tổ chức cho học sinh tìm hiểu, viết về những gương học sinh điển hình ngay trong nhà trường, hướng dẫn học sinh tổ chức giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đội ngũ GV, nhất là giáo viên chủ nhiệm sâu sát học sinh, hiểu tâm tư tình cảm của học sinh và có biện pháp tư vấn, giúp đỡ kịp thời mỗi khi các em gặp những vấn đề trong cuộc sống.
Khẳng định kết quả bước đầu trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Sở GD&ĐT đã nêu bật “chất lượng văn hóa” ứng xử trong các nhà trường, coi đó là bước chuyển thực sự của môi trường sư phạm. Tuy nhiên, trong một số nhà trường, nhất là các trường THCS và THPT, nhiều hành vi thiếu văn hóa vẫn tồn tại. Điển hình là tình trạng nói tục chửi bậy và bạo hành trong ứng xử. Những hành vi phản đạo đức truyền thống, thiếu văn hóa trong giao tiếp ứng xử, cao hơn là tình trạng dùng vũ lực, thậm chí cả gậy gộc, dao kiếm để giải quyết các mẫu thuẫn…còn tồn tại trong một bộ phận học sinh.
Thiết nghĩ, song song với sự can thiệp của cơ quan chức năng, những hành vi đó cần phải được lên án; để mỗi nhà trường không chỉ là nơi học sinh lĩnh hội, tích tụ và phát huy tri thức, mà còn là điển hình của sự ứng xử có văn hóa.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()