Nâng cao chất lượng, vai trò các đại biểu Quốc hội
Ngày 16-6, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về hai dự án: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Tránh hành chính hóa hoạt động của đại biểu QH
Thảo luận về Luật Tổ chức QH (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu đồng tình việc chuyển quy định về đại biểu QH từ Chương IV của luật hiện hành lên Chương II nhằm thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu trong hoạt động của QH. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các quy định của dự thảo luật chưa làm rõ vai trò của đại biểu QH. Hơn nữa, các quy định về cơ chế hoạt động của đại biểu QH còn nặng về hành chính; đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn và những việc đại biểu không được làm để bảo đảm tính độc lập cho đại biểu QH, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu QH. Nhấn mạnh năm tiêu chuẩn đại biểu QH nêu trong dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) và một số đại biểu đề nghị bổ sung tiêu chuẩn có tư duy phản biện.
Nhiều ý kiến đề nghị luật cần quy định cụ thể hơn các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu QH, nhất là các đại biểu QH chuyên trách ở địa phương, các đại biểu QH ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng bộ máy giúp việc cho đại biểu QH. Bên cạnh tán thành quy định số lượng đại biểu QH là 500 người, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu QH được nêu trong dự thảo luật là thấp, cần tăng cao hơn để có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới chất lượng hoạt động của QH.
Các đại biểu QH cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về vấn đề tổ chức, trong đó có vị trí, các vấn đề liên quan các Ðoàn đại biểu QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, chủ trương nâng cấp các ban của Ủy ban Thường vụ QH thành các ban của QH. Một số ý kiến đại biểu đề nghị nâng Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ QH thành cơ quan của QH. Ðại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị, thông qua sửa đổi luật lần này, cần quy định thành lập thêm các ủy ban mới của QH và tổ chức các tiểu ban nhằm chuyên môn hóa hoạt động của ủy ban theo các lĩnh vực cụ thể hơn.
Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định về chức danh Tổng Thư ký QH, thay thế Ðoàn Thư ký kỳ họp hiện nay. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn giữa chức danh mới này với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng QH vốn lâu nay vẫn đảm nhận các nhiệm vụ này. Ðại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số đại biểu cho rằng: Tổng Thư ký QH do QH bầu và Phó Tổng Thư ký QH, các Ủy viên thư ký QH do Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn theo đề nghị của Tổng Thư ký. Bên cạnh nhiệm vụ tham mưu phục vụ kỳ họp QH, Tổng Thư ký QH là người đứng đầu bộ máy giúp việc của QH, điều hành toàn bộ công tác phục vụ hoạt động của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH và đại biểu QH. Vì vậy, cần quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký kiêm người đứng đầu Văn phòng QH.
Nâng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 430 số phiếu tán thành, chiếm 86,35% tổng số đại biểu QH.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi), đa số đại biểu QH không tán thành quy định về điều kiện hưởng lương hưu (Ðiều 53) và đề nghị chỉ thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác, theo Ðiều 187 của Bộ luật Lao động.
Ðề cập chính sách BHXH tự nguyện đang còn nhiều bất cập, thiếu sức hấp dẫn người lao động, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung những chính sách đột phá mạnh mẽ hơn để mở rộng sự tham gia BHXH tự nguyện, nhất là các chính sách có tính khuyến khích về mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng BHXH tự nguyện. Thí dụ như, quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (khoản 2, Ðiều 89, dự thảo luật) nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động. Theo đó, từ ngày luật có hiệu lực đến trước ngày 1-1-2018, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương (mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động). Từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Tán thành quy định về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng (Ðiều 55), nhưng đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) và một số đại biểu đề nghị, để bảo đảm quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu, cần tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH và bổ sung quy định về việc người lao động được bảo đảm hưởng mức lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu, nhằm bảo đảm không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu và bảo đảm an sinh cho người lao động tham gia đóng BHXH giữa các thời kỳ.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()