Nâng cao chất lượng vải thiều Hữu Lũng: Cần sự vào cuộc của ngành khoa học
LSO-Cây vải thiều một thời được coi là loại cây xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Hữu Lũng, nhưng trong vài năm trở lại đây, loại cây này liên tục bị mất mùa, chất lượng quả vải cũng giảm dần.
LSO-Cây vải thiều một thời được coi là loại cây xóa đói giảm nghèo của người dân huyện Hữu Lũng, nhưng trong vài năm trở lại đây, loại cây này liên tục bị mất mùa, chất lượng quả vải cũng giảm dần. Chính quyền địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm vực dậy loại cây ăn quả này, nhưng đến thời điểm này, diện tích và chất lượng cây vải thiều cứ giảm dần.
Thu hoạch vải thiều ở Hữu Lũng |
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng, trung bình mỗi năm, diện tích cây vải giảm từ 100-200ha và hiện tại diện tích trồng vải chỉ còn trên dưới 2.500ha. Nguyên nhân chính khiến diện tích cây vải giảm là do giá vải quả trong những năm qua quá thấp nên bà con trồng vải ở Hữu Lũng không mặn mà với cây vải. Chính với lý do này nên người trồng vải không đầu tư, chăm sóc cho cây, khiến chất lượng quả vải vì thế cũng giảm theo. Lãnh đạo huyện Hữu Lũng cũng khẳng định, trong 2 năm 2005 và 2006, theo khảo sát của Viện rau quả Trung ương, lượng đường của vải thiều Hữu Lũng còn cao hơn cả vải thiều Lục Ngạn, đây chính là lợi thế cho việc xuất khẩu vải quả. Nhưng đến giai đoạn hiện tại thì chất lượng vải quả của Hữu Lũng không còn được thị trường đánh giá cao nữa.
Để có thể vực dậy cây vải thiều Hữu Lũng thì ngoài địa phương, ngành khoa học cần phải nhanh chóng vào cuộc – đó là ý kiến của lãnh đạo địa phương và bà con trồng vải. Tại sao lại vậy? Việc người nông dân bỏ quên cây vải quá lâu khiến đất cằn, cây thì bị sâu bệnh hại…, khiến chất lượng quả không đạt như mong muốn. Như ở huyện Thanh Hà – Hải Dương, nơi cây vải thiều cũng là cây thế mạnh của địa phương. Trước năm 2010, người trồng vải cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại vải như: bệnh sương mai, bệnh thán thư, sâu đục cuống quả gây hại từ 20 đến 45% vải chính vụ, 55 đến 75% trên vải muộn; đã làm ảnh hưởng đến chất lượng vải trên thị trường, đặc biệt là vải xuất khẩu. Từ năm 2010, Thanh Hà đã phối hợp với ngành khoa học thực hiện đề tài “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để xây dựng mô hình quản lý sâu bệnh hại vải thiều cho một số địa phương ở Hải Dương”, qua thời gian thực hiện đã điều tra tổng hợp được 5 loại sâu hại và 3 loại bệnh hại thường xuyên xuất hiện và gây hại trên cây vải, gây hại nặng nhất giai đoạn ra hoa cho tới quả non. Nhờ vào đề tài nghiên cứu này, đến nay, người trồng vải đã sử dụng đúng từng loại thuốc đặc trị cho từng loại sâu bệnh hại vải, qua đó không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư mà còn góp phần nâng cao số lượng đậu quả và chất lượng quả. Nhìn sang địa phương giáp ranh là Lục Ngạn – Bắc Giang, từ nhiều năm qua, ngoài việc phối hợp với địa phương cùng xây dựng chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, tạo dựng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, ngành khoa học tỉnh Bắc Giang còn chủ động, trực tiếp hướng dẫn bà con trồng vải phương pháp chăm sóc cây ngay sau khi thu hoạch như: bà con cần phải tiến hành tỉa cành tạo tán, tỉa các cành tăm, cành trong tán để lộc ra vào tháng 10 – 11 đồng thời tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại vải nhằm giảm nguồn sâu bệnh, tạo môi trường bất thuận cho sự phát sinh và phát triển các loại sâu bệnh, tạo ra lộc non nhanh, lộc to và khỏe. Chính những phương pháp này đã giúp chất lượng vải quả của Lục Ngạn luôn được người tiêu dùng tín dùng và qua đó cũng khiến giá thành của vải thiều Lục Ngạn luôn cao hơn vải thiều Hữu Lũng. Gần đây nhất, vào ngày 9/4/2013, tỉnh Bắc Giang đã hợp tác Bộ KH&CN, từng bước xúc tiến, nghiên cứu, xây dựng Trung tâm bảo quản nông sản, trong đó có hướng đến việc sử dụng công nghệ CAS – một công nghệ bảo quản đông lạnh mới, tiên tiến của Nhật Bản. Nếu vải được bảo quản bằng công nghệ CAS thì sẽ không bị phá vỡ các màng và thành tế bào, duy trì được các yếu tố quan trọng cấu thành hương vị trong thực phẩm, nhờ đó giúp thực phẩm được bảo quản tốt hơn, giữ được độ tươi ngon lâu hơn so với công nghệ đông lạnh truyền thống (sử dụng công nghệ CAS sẽ giúp bảo quản quả vải thiều từ 1 đến 3 năm mà vẫn đảm bảo cho sản phẩm giữ nguyên được hương vị và độ tươi ngon).
So sánh với 2 địa phương nổi tiếng về vải thiều thì hơi khập khiễng, nhưng nhìn lại mới thấy ngành khoa học Lạng Sơn chưa thực sự có đề tài, dự án nào góp phần cải tạo chất lượng cây vải thiều ở Hữu Lũng. Cách đây vài năm, Sở KH&CN đã phối hợp với địa phương thực hiện dự án “Cải tạo vườn tạp”, trong đó có việc hướng dẫn bà con cải tạo vườn vải. Nhưng để có thể vực dậy, khôi phục và nâng cao chất lượng vải thiều Hữu Lũng thì ngành khoa học tỉnh cần nhanh chóng xây dựng dự án nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn. Ví dụ như: cần nhanh chóng xây dựng dự án nghiên cứu nhằm làm sao để vải chín sớm hơn, không trùng với chính vụ của vải Lục Ngạn, Thanh Hà. Đồng thời, Sở KH&CN cũng cần phối hợp với Bộ KH&CN tìm hiểu về việc hợp tác xây dựng Trung tâm công nghệ CAS bảo quản nông sản, thực phẩm. Ngoài ra, cần tiếp tục hướng dẫn bà con cách cải tạo vườn vải.
Năm nay chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm chính vụ thu hoạch của vải thiều Hữu Lũng, và theo điều tra, thống kê của phòng NN&PTNT huyện, do một số nguyên nhân, sản lượng năm nay cũng không cao.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()