Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục
Giờ hoạt động ngoài trời của học sinh Trường Mầm non xã Thái Bình, huyện Đình Lập |
Ổn định quy mô, tăng tỷ lệ trẻ đến lớp
Học kỳ I năm học 2016-2017, huyện Đình Lập có 43 trường từ cấp học mầm non đến THCS với tổng số 6.542 học sinh, trong đó có 9 trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) với gần 1.200 học sinh và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 trường THPT và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX với gần 800 học sinh. Trung bình cứ 4 người dân có 1 người đi học và mỗi xã, thị trấn có 1,2 trường mầm non, 1,4 trường tiểu học và 1 trường THCS. Tỷ lệ này là khá cao so với bình quân toàn quốc, song đối với một huyện đất rộng, người thưa thì học sinh vẫn phải đi học khá xa, việc huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường gặp nhiều khó khăn.
Với đặc điểm đó, một mặt ngành GD&ĐT tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các xã, các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền huy động học sinh tới trường; một mặt chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng, chống tình trạng lưu ban, bỏ học. Vì vậy, huyện Đình Lập là huyện có tỷ lệ huy động trẻ tới trường ở mức rất cao. Học kỳ I năm học 2016-2017, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi nhà trẻ đạt 54,3% – cao nhất tỉnh, mẫu giáo đạt 99,8%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,6%. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 99,3%. Thực hiện tốt chế độ đối với người học, người dạy, duy trì có hiệu quả công tác bán trú tại các trường mầm non và các trường phổ thông DTBT với 942 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bằng các nguồn lực như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giáo dục mầm non, chương trình 135 và các chương trình khác, cơ sở vật chất nhà trường, trang thiết bị dạy và học được tăng cường. Phong trào “Xây dựng trường học công viên” đã được thực hiện trong tất cả các trường học. Tất cả các trường, điểm trường đã có biển hiệu, tường rào, có khuôn viên cây xanh, nước sạch, nhà vệ sinh… đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho công tác giảng dạy, học tập và các hoạt động bổ trợ.
Đổi mới công tác dạy và học
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trong lộ trình đổi mới “căn bản và toàn diện” GD&ĐT theo nghị quyết của Đảng, việc chỉ đạo thực hiện rà soát, điều chỉnh chương trình nhà trường theo hướng phát triển năng lực học sinh, xây dựng giá trị tầm nhìn đã được triển khai một cách tích cực. Các trường mầm non thực hiện tốt việc nuôi và dạy. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, triển khai dạy tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục. Khẳng định sự phù hợp của mô hình trường học mới VNEN đối với sự tiến bộ toàn diện của học sinh dân tộc và được tiếp tục duy trì ở 13 trường tiểu học, 3 trường THCS. Phương pháp “ Bàn tay nặn bột”, dạy học mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch… được thực hiện ở tất cả 17 trường tiểu học và 12 trường THCS. Công tác đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã được áp dụng.
Kết quả học kỳ I với nhiều mặt nổi trội đã chứng minh các giải pháp về duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng là những bước đi đúng hướng và tích cực của ngành GD&ĐT Đình Lập. Toàn huyện giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở tất cả 12/12 xã, thị trấn. Tỷ lệ trẻ được khám sức khỏe đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 9,2%. Cấp tiểu học có 98,85% đạt yêu cầu và tốt về phẩm chất, năng lực; cấp THCS có 14,2% xếp loại học lực giỏi (tăng 2,3%), loại yếu còn 6,4%, giảm 1,3%. Toàn huyện có 233 học sinh của 8 lớp thuộc 2 trường Phổ thông DTNT cấp THCS và trường THCS thị trấn Đình Lập đăng ký tham gia “trọng điểm chất lượng cao”; cuối học kỳ đã có 33,9% số học sinh xếp học lực giỏi và 47,6% xếp học lực khá.
Cô giáo Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng phòng GD&ĐT Đình Lập cho biết: Những giải pháp bắt nguồn từ thực tiễn của các nhà trường, được ngành chỉ đạo quyết liệt và được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả tốt. Giải pháp về nâng cao tỷ lệ huy động và nâng cao chất lượng được hỗ trợ bằng việc thực hiện triệt để chế độ chính sách cho người học cũng như các nhà trường và việc tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng như đổi mới phương pháp GD&ĐT.
Ý kiến ()