Nâng cao chất lượng truyền thông về việc làm
Trong thời gian tới, công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm cần tập trung vào các nội dung như: quản lý, quản trị thị trường lao động-việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cũng như hệ thống thông tin dịch vụ việc làm công… Đặc biệt, cũng cần chú trọng tới các nội dung về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Người lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang) |
Ưu tiên hơn công tác truyền thông về việc làm
Sáng 14/4, tại Đà Nẵng, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) triển khai hội nghị tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm.
Phát biểu tại hội nghị, TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, sự kiện nhằm kết nối, cung cấp thông tin về lĩnh vực việc làm tới các cơ quan báo chí và phóng viên. Qua đó, chương trình nhằm nâng cao chất lượng truyền thông về lĩnh vực việc làm trên báo chí.
TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nhật Anh) |
Tại hội nghị, Cục Việc làm thông tin về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Trong đó, có các hoạt động quản lý, quản trị thị trường lao động, chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và hệ thống thông tin dịch vụ việc làm công….
Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai các hoạt động nhằm quản lý biến động lao động qua việc xây dựng mã số định danh lao động, thu nhập dữ liệu thị trường lao động (lao động, người sử dụng lao động)… cung cấp dữ liệu thị trường lao động quốc gia. Từ đó, thực hiện các giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động…
Theo TS Vũ Trọng Bình, với lực lượng lao động trong nước có hơn 52 triệu người hiện nay, việc quản lý lao động từ lúc họ bắt đầu tham gia tới khi rời thị trường lao động rất cần thiết. Hiện tại, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan chức năng đang cố gắng đưa nội dung này vào dự án, nhằm tạo thuận lợi trong quản lý – đăng ký lao động, hình thành mã số định danh lao động. Con số này có thể gắn với mã số định danh cá nhân của người lao động, gắn với cả quá trình làm việc của họ. Hiện nay, cơ quan chức năng đang phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để cố gắng hoàn thiện trong thời gian tới. Song hành với đó là tiến tới số hóa thông tin thị trường lao động, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động tham gia thị trường lao động tiếp cận chính sách dễ dàng, minh bạch hơn.
TS Vũ Trọng Bình chia sẻ, dự thảo Luật Việc làm 2013 (sửa đổi) sắp tới tập trung vào xây dựng chính sách việc làm cho thị trường lao động một cách chủ động, không chỉ mang tính chất bảo trợ, hỗ trợ. Hiện nay, trong quá trình quy hoạch cơ cấu kinh tế trong cả nước, mục tiêu của quá trình xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần hướng tới có chính sách việc làm cụ thể gắn với từng vùng.
Thí dụ, khu vực Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh việc làm xanh, công nghệ cao, giảm những việc làm về thâm dụng lao động. Chính sách việc làm cho khu vực miền núi hoặc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có sự khác biệt Chính sách việc làm cho người khuyết tật không phải hỗ trợ bằng tiền, mà là hỗ trợ họ tham gia vào thị trường lao động. Đây là những vấn đề khó và cũng là thách thức với cơ quan xây dựng dự thảo Luật.
Thị trường lao động dần phục hồi
Bà Nguyễn Hải Yến – Trưởng phòng Thị trường lao động (Cục Việc làm) – cho biết, trong gần ba năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, thị trường lao động trong nước đã chịu những tác động nặng nề. Có thời điểm, hơn 30 triệu lao động, tương ứng hơn 58% lực lượng lao động, của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Tuy nhiên, nhờ có các chính sách, giải pháp chủ động, mà đầu năm 2022, thị trường lao động nước ta bắt đầu phục hồi.
Trong quý I/2023, thị trường lao động ghi dấu ấn phục hồi. Số lao động trong độ tuổi tăng hơn 88.000 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu lao động so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động tham gia lực lượng lao động quý I/2023 là hơn 68%.
Thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 cũng tăng, đạt 7 triệu đồng/tháng, tăng 640 nghìn so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù thị trường lao động nước ta đang phục hồi nhưng cũng đối mặt với nhiều bất cập và hạn chế. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở con số có hơn 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trong khi đó, cầu lao động cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững. Điều này thể hiện qua các số liệu cụ thể. Tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,1 triệu người, trong đó có 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông – lâm – ngư nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 27%), gần 33 triệu lao động đang làm việc làm ở khối phi chính thức (chiếm hơn 64%).
Bà Nguyễn Hải Yến cũng cho biết, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề.
Để khắc phục những hạn chế này, đầu tháng 1 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu này. Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp thực hiện như: Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung – cầu lao động; hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động…
Phấn đấu đến năm 2025:
– Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%.
– Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm.
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.
– Chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.
– Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
– Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
(Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội)
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-truyen-thong-ve-viec-lam-post747724.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()