Nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã nông thôn mới
LSO-Không dừng lại ở việc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Người dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng bê tông hóa đường giao thông liên thôn |
Năm 2014, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Vui mừng, phấn khởi khi đạt chuẩn, song Chi Lăng không dừng lại, xã luôn xác định nhiệm vụ xây dựng NTM vẫn tiếp diễn, cụ thể ở đây chính là nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các tiêu chí liên quan từ phát triển kinh tế đến cơ sở hạ tầng, xã đều xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao. Ví dụ như các tuyến đường liên thôn, nội thôn, năm 2014, xã mới bê tông được 80% thì đến nay, tỷ lệ này đạt khoảng 90%; tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn tăng từ 1.068 hộ năm 2015 lên 1.089 hộ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 73% lên 76%…
Giống như Chi Lăng, sau khi đạt chuẩn NTM năm 2015, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan tiếp tục bắt tay vào việc duy trì, củng cố các tiêu chí. Bên cạnh củng cố cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, một trong những tiêu chí mà xã đặc biệt quan tâm để nâng cao chất lượng, đó chính là tiêu chí số 13 về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất.
Ông Vi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người dân chính là nền tảng để phát triển. Tuy nhiên, trước đây các tổ hợp tác dùng nước do hạn chế về nhiều mặt đã không tạo ra được một hình thức sản xuất cụ thể, hiệu quả nào. Trước thực tế đó, để đổi mới cách thức sản xuất, năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, bên cạnh phân bổ về cho 3 thôn để trồng cây dong riềng, xã chủ động ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã Minh Dương. Thu hoạch đến đâu, hợp tác xã tiêu thụ hết đến đấy. Kết thúc vụ dong riềng, trung bình mỗi sào thu được từ 7 đến 8 triệu đồng, giá trị cao hơn nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác trên cùng diện tích.
Tương tự như 2 trường hợp kể trên, nhiều xã NTM khác trên địa bàn cũng đã không ngừng nỗ lực để duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 xã NTM, trong đó có 13 xã đạt chuẩn trước năm 2016. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Đối với các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, các xã NTM vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức tham gia. Qua đó các tiêu chí không ngừng được củng cố, nâng cao.
Bên cạnh những tiêu chí về hạ tầng, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa… thì tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được các xã NTM đặc biệt chú trọng. Bên cạnh sự nỗ lực, chủ động tìm tòi của các xã, hằng năm tỉnh đều phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới cho các xã đạt chuẩn. Ví dụ như năm 2016, tỉnh đã phân bổ 15.850 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất cho 31 xã, trong đó có 13 xã đã đạt chuẩn NTM. Qua đó đã xây dựng được 49 mô hình phát triển sản xuất, trong đó có những mô hình hiệu quả cao ở các xã NTM như: xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; xã Tràng Phái, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan; xã Đại Đồng, huyện Tràng Định; xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn…Các mô hình sản xuất hiệu quả đang được nhân rộng, qua đó góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các xã NTM vẫn không ngừng nỗ lực để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Qua đó góp phần quan trọng vào thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.
TÂN AN
Ý kiến ()