Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 26/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên; cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, do đó quyền làm chủ của nhân dân từng bước được phát huy.
Cán bộ UBND xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân |
Để đánh giá thực chất chất lượng, hiệu quả của việc triển khai xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, năm 2017, Ban Dân vận Tỉnh ủy (BDVTU) khảo sát 2 đơn vị cấp tỉnh, 5 đơn vị cấp huyện và 2 đơn vị cấp xã với 2 nội dung: kết quả thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 04 ngày 9/1/2015 của Chính phủ và kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo của BDVTU, đối với thực hiện dân chủ theo Nghị định 04 của Chính phủ, qua khảo sát cho thấy, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thường xuyên quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nghị định đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ). Thực hiện tốt các nội dung phải công khai như: nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; kinh phí hoạt động hằng năm, tài sản, trang thiết bị, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; việc nâng bậc lương, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật… Kết qủa cho thấy: 92% người được hỏi đánh giá thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện những nội dung công khai theo quy định.
Những nội dung CBCCVCNLĐ tham gia ý kiến để người đứng đầu quyết định cũng được triển khai nghiêm túc như: tham gia ý kiến về chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của CBCCVCNLĐ; các nội quy, quy chế… được đánh giá đã triển khai đạt tỷ lệ cao trong số những người được khảo sát.
Triển khai thực hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị có liên quan đạt kết quả tốt, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong thực hiện các quy định tại bộ phận một cửa, việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý…
Đối với thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: khảo sát cho thấy, 94% số người được hỏi cho biết đã được tuyên truyền và biết việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Những nội dung phải niêm yết công khai tại trụ sở được UBND các xã, thị trấn thực hiện khá nghiêm túc và thường xuyên như: phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; mức thu các loại phí, lệ phí; các quy định về thủ tục hành chính… đều được niêm yết công khai; những việc công khai cho nhân dân biết như: sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động do nhân dân đóng góp, kết quả bình xét hộ nghèo… được thông báo đến người dân thông qua các cuộc họp thôn, khối phố, các buổi sinh hoạt đoàn thể.
UBND các xã, thị trấn cũng triển khai thực hiện tốt những quy định về việc nhân dân được bàn và quyết định như: các chủ trương, mức đóng góp tiền, công xây dựng các công trình công cộng. Việc giám sát của nhân dân trong thực hiện QCDC ở cơ sở cơ bản được triển khai thực hiện.
Bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hữu Lũng cho biết: Trong năm 2017, cấp ủy huyện và Ban chỉ đạo thực hiện QCDC huyện ban hành 14 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, qua đó dân chủ ở cơ sở tiếp tục được phát huy. Việc thực hiện QCDC còn được gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, cụ thể huy động được trên 131 tỷ đồng, nhân dân hiến hơn 2 nghìn mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới ở 2 xã Vân Nham và Đồng Tân… Do đó, 2 xã đã về đích nông thôn mới.
Theo bà Giáp Thị Bắc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, bên cạnh kết quả đạt được thì còn những hạn chế như: công tác tuyên truyền; việc thực hiện quyền giám sát của người dân còn hạn chế; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng còn hình thức; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa thật sự rõ nét… Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để nâng cao nhận thức về trách nhiệm thực hiện QCDC ở cơ sở; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức khi có sự thay đổi về nhân sự quản lý… Qua đó, chất lượng, hiệu quả trong thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ được nâng cao.
PHÙNG KHIÊM
Ý kiến ()