Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp
Năm 2011, trong điều kiện nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; sự phối hợp và tạo điều kiện của các cấp, các ngành; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.Trước hết là, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và cuộc sống thanh bình của nhân dân.Năm qua, ngành kiểm sát triển khai nhiều biện pháp để phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động...
Năm 2011, trong điều kiện nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; sự phối hợp và tạo điều kiện của các cấp, các ngành; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, ngành kiểm sát nhân dân tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Trước hết là, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và cuộc sống thanh bình của nhân dân.
Năm qua, ngành kiểm sát triển khai nhiều biện pháp để phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp, các quy định mới của Nhà nước liên quan chức năng, nhiệm vụ của ngành. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tiếp tục có chuyển biến tích cực; chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực hoạt động kiểm sát được nâng cao. Tuy hằng năm, số vụ án mà Viện Kiểm sát các cấp kiểm sát điều tra tăng lên nhưng số vụ được quyết định truy tố đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, số bị can bị đình chỉ điều tra vì không phạm tội và số bị cáo Viện Kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên phạt không phạm tội hằng năm đều giảm. Công tác điều tra của ngành kiểm sát có chuyển biến mạnh. Qua điều tra, đã ban hành nhiều kiến nghị các cơ quan tư pháp có biện pháp phòng ngừa tội phạm. Công tác phối hợp các cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương được tăng cường, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận nhân dân quan tâm. Viện Kiểm sát các cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính, thi hành án; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để thi hành các đạo luật mới.
Thứ hai là, thực hiện có hiệu quả tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 và Kết luận 79-KL/T.Ư ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị. Trong những năm qua, ngành kiểm sát nhân dân đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng. Ban Cán sự Đảng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp của ngành kiểm sát nhân dân giai đoạn 2011 – 2016; đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để toàn ngành thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp. Tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, qua đó đánh giá những kết quả tích cực đã đạt được, những hạn chế, thiếu sót để báo cáo Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Triển khai tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trong ngành kiểm sát nhân dân, trên cơ sở những chủ trương, quan điểm của Đảng liên quan tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về Viện Kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tập trung nghiên cứu các đề án được Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao cho như Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”, “Nghiên cứu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện công tố”. Chủ động nghiên cứu các đề án từ nhu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành theo yêu cầu cải cách tư pháp như “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp”; Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân theo Kết luận số 79-KL/T.Ư ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị”… Các đề án do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì xây dựng bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, quán triệt các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.
Thứ ba là, xây dựng ngành kiểm sát nhân dân không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Viện Kiểm sát các cấp tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thành lập 41 phòng nghiệp vụ tại các đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và tách 19 phòng nghiệp vụ tại 19 Viện Kiểm sát cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực hiện chức năng kiểm sát; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết hợp nhất Viện Kiểm sát Quân khu Thủ đô và Viện Kiểm sát quân sự Cơ quan Bộ Quốc phòng. Tiếp tục kiện toàn lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh.
Ngành kiểm sát thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm việc tuyển đủ số biên chế được giao; chú trọng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ về lý luận, chính trị, an ninh, quốc phòng, kiến thức quản lý nhà nước, về quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ; đã sớm xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 – 2015. Viện Kiểm sát các cấp quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; gắn công tác bồi dưỡng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi với thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi đối với việc rèn luyện năm đức tính người cán bộ kiểm sát theo lời Bác Hồ dạy: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.
Thứ tư là, mở rộng hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thực hiện tốt chức năng tương trợ tư pháp; tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các nước trong xây dựng pháp luật, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Năm 2012 là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu chấm dứt, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng nước ta dưới nhiều hình thức. Trong nước, các thành tựu về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại đã tạo tiền đề cho đất nước ta tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức cũng không nhỏ, kinh tế tăng trưởng không bền vững, đời sống nhân dân khó khăn do lạm phát; tình hình tội phạm gia tăng, nhất là trong lĩnh vực môi trường, tội phạm về ma túy… Tình hình đó sẽ tác động nhiều mặt đến hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân.
Ngành kiểm sát xác định năm 2012 là năm hoạt động: Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở. Toàn ngành tập trung thực hiện tốt những mục tiêu chủ yếu sau đây: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, bảo đảm đội ngũ cán bộ, viên chức đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đề cao kỷ luật, kỷ cương, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của ngành trong việc tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung), các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, đặc biệt là Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và các đề án về cải cách tư pháp.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Viện Kiểm sát các cấp cần tổ chức chu đáo việc nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; các nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của Quốc hội; trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, các đơn vị trong ngành; nhất là các Nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư pháp và ngành kiểm sát. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về tổ chức bộ máy, cán bộ, quản lý điều hành, kỹ năng nghiệp vụ để khẳng định chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Trước hết, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đổi mới mạnh mẽ công tác thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đổi mới Viện Kiểm sát trong thời gian tới phải đáp ứng yêu cầu thực hiện đầy đủ, hiệu quả trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của các Luật vừa được Quốc hội ban hành.
Hai là, quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố đối với hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra. Công tố là quyền của Nhà nước, Nhà nước nhân danh quyền lực công, quyết định đưa người phạm tội và hành vi phạm tội của họ ra xét xử. Để thực hành quyền công tố, theo quy định của Luật Tố tụng hình sự (TTHS), Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu hoặc tự mình khởi động quá trình tố tụng thông qua quyền khởi tố vụ án hình sự; theo dõi, giám sát, đưa ra các yêu cầu trong quá trình điều tra; phê chuẩn các quyết định pháp lý quan trọng của Cơ quan điều tra, quyết định truy tố hoặc không truy tố người phạm tội và hành vi phạm tội ra xét xử trước Tòa án, tham gia phiên tòa để bảo vệ quyết định truy tố. Có thể nói, chức năng thực hành quyền công tố của Viện Kiểm sát có bản chất là Viện Kiểm sát phải bảo đảm, quyết định để mọi hành vi phạm tội và người phạm tội đều phải được xử lý nghiêm minh, có căn cứ, đúng pháp luật.
Trong thời gian tới, ngành kiểm sát sẽ tiếp tục nghiên cứu cả trên phương diện xây dựng pháp luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ; đổi mới kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện yêu cầu của Đảng trong việc “tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Chúng ta cần đổi mới nhận thức về trách nhiệm của Viện Kiểm sát đối với hoạt động điều tra. Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra là đòi hỏi Viện Kiểm sát phải tăng cường sự hiện diện trong tất cả các hoạt động điều tra, xử lý vụ án; kể từ quá trình ban đầu xử lý tin báo tố giác tội phạm đến việc khởi tố, điều tra, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố. Cần thực hiện có trách nhiệm hơn, chủ động hơn, tốt hơn các quyền hạn tố tụng hiện hành theo quy định của pháp luật, dám chịu trách nhiệm với hành vi và quyết định của mình.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Cần tiến hành nghiên cứu, tổng kết nghiêm túc việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), tiếp tục hoàn thiện Đề án Cải cách tư pháp mà Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp các ban, ngành thực hiện; chuẩn bị báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Qua đó đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề hiến định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp. Thực hiện có hiệu quả một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự là tư tưởng mang tính đột phá, xuyên suốt nội dung đổi mới và hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, được Đảng ta xác định là một trong những vấn đề quan trọng nhất của cải cách tư pháp.
Bốn là, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), toàn ngành phát động phong trào chỉnh đốn, kiện toàn các tổ chức, cơ sở đảng; xây dựng các tổ chức đảng trong ngành thật sự trong sạch, vững mạnh. Để làm tốt yêu cầu này, mỗi đảng viên cần trau dồi, rèn luyện ý thức chính trị, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp, nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Mỗi đảng viên phải thật sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc pháp luật. Mỗi cấp ủy đảng ở Viện Kiểm sát các cấp phải thật sự phát huy vai trò lãnh đạo của mình một cách toàn diện cả về công tác tổ chức cán bộ, công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Năm là, thực hiện tốt chủ trương công tác “hướng về cơ sở”. Để thực hiện chủ trương này, Viện Kiểm sát cấp trên phải tăng cường đầu tư, chỉ đạo toàn diện về các mặt, nhất là chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện Kiểm sát cấp dưới.
Những nhiệm vụ đặt ra cho ngành Kiểm sát trong thời gian tới đây là rất to lớn, nặng nề. Với sự tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và sự nghiệp cải cách tư pháp, với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp chính quyền và của nhân dân, Ngành KSND chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()