Nâng cao chất lượng thông tin tín dụng
Thông tin tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Đồng thời là cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ khách hàng vay vốn tiếp cận nguồn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đánh giá khả năng trả nợ
Bất cứ khách hàng nào khi có nhu cầu vay vốn đều phải cung cấp giấy tờ định danh cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu cho cán bộ ngân hàng. Thông qua tra cứu trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) từ giấy tờ định danh cá nhân do khách hàng cung cấp, ngân hàng sẽ có được thông tin tín dụng. Thông tin này giúp các TCTD nhận định được những khách hàng có độ rủi ro cao theo lịch sử dư nợ của khách hàng vay, lịch sử chậm thanh toán của chủ thẻ tín dụng cũng như tránh việc trùng lặp tài sản được bảo đảm cho nhiều hợp đồng tín dụng tại các ngân hàng khác nhau. Thông tin tín dụng càng hoàn thiện, các TCTD càng đánh giá chính xác về khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai; nhận định được những nguy cơ tiềm ẩn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà khách hàng sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư.
Hoạt động tư vấn vay vốn tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng. Ảnh: SAO MAI |
Nhận định được tầm quan trọng của thông tin tín dụng, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động thông tin tín dụng, có thể kể đến như: Luật NHNN Việt Nam năm 2010; Luật các TCTD năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD ngày 20-11-2017; Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10-6-2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng… Các văn bản pháp luật này đã đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam. Để tiếp tục hoàn thiện hoạt động thông tin tín dụng, đầu năm 2023, NHNN Việt Nam đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thông tin tín dụng của ngành ngân hàng.
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho hay, tại nước ta hiện nay, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam do CIC làm đầu mối tổ chức, thực hiện. Thời gian qua, hoạt động thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia. CIC đã xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khá lớn từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài ngành. Qua đó, xây dựng, cung cấp các báo cáo tổng hợp, báo cáo phân tích định kỳ, đột xuất về hoạt động tín dụng phục vụ ban lãnh đạo và các đơn vị của NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, CIC thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD để phục vụ mục đích đánh giá, phê duyệt tín dụng, quản trị rủi ro, quản lý danh mục…
Trong năm 2022, số lượng báo cáo do CIC cung cấp cho các TCTD tăng trưởng vượt bậc với hơn 77,7 triệu báo cáo, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thông tin tín dụng nhanh chóng, tin cậy đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh của các TCTD, đặc biệt là trong thời đại ngân hàng số hiện nay.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng dữ liệu
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhu cầu trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới và chuẩn hóa dữ liệu đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng. Việc nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng đòi hỏi các TCTD thực hiện nghiêm quy chế hoạt động thông tin tín dụng của NHNN Việt Nam, báo cáo thông tin kịp thời, bảo đảm chất lượng để tiếp tục hoàn thiện và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Đồng thời, khai thác triệt để nguồn thông tin tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh nhằm phòng ngừa rủi ro và bảo đảm tuân thủ các quy định của NHNN Việt Nam về cấp tín dụng, quản trị rủi ro.
Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc CIC khẳng định, còn nhiều dư địa để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, như: Mở rộng nguồn thông tin ngoài ngành, mở rộng trao đổi thông tin xuyên biên giới, áp dụng công nghệ mới, đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, ông Bình đề xuất những giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong hoạt động thu thập, xử lý, bảo mật và lưu trữ dữ liệu; tiếp tục đối soát, làm sạch dữ liệu về khách hàng cá nhân.
Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia thì cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro. Đồng thời nâng cao năng lực khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu thông tin tín dụng, thông tin khách hàng vay vốn từ các TCTD cung cấp cũng như kho dữ liệu của CIC; đẩy mạnh phát triển hạ tầng dữ liệu, phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ nền kinh tế số tại Việt Nam…
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/tai-chinh/nang-cao-chat-luong-thong-tin-tin-dung-742850
Ý kiến ()