Dệt may là ngành duy nhất đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, khuyến khích, phát huy dân chủ trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, đề cập quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (QHLĐ). Thông qua sức mạnh tập thể, các thương lượng nhằm đạt những lợi ích cho NLĐ cao hơn quy định của pháp luật. Một bản thỏa ước thật sự có chất lượng phụ thuộc lớn vào bản lĩnh và tiếng nói có trọng lượng từ tổ chức công đoàn."Bộ luật con" trong doanh nghiệpNhằm đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 01. Sau hai năm thực hiện, gần 67% số DN có công đoàn cơ sở (CĐCS) ký TƯLĐTT, trong đó 60% số các bản thỏa ước đạt được các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, tăng 20% so với trước khi nghị quyết ban hành. Chất lượng và nội...
Dệt may là ngành duy nhất đã ký kết thỏa ước lao động tập thể. |
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng, khuyến khích, phát huy dân chủ trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, đề cập quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (QHLĐ). Thông qua sức mạnh tập thể, các thương lượng nhằm đạt những lợi ích cho NLĐ cao hơn quy định của pháp luật. Một bản thỏa ước thật sự có chất lượng phụ thuộc lớn vào bản lĩnh và tiếng nói có trọng lượng từ tổ chức công đoàn.
“Bộ luật con” trong doanh nghiệp
Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 01. Sau hai năm thực hiện, gần 67% số DN có công đoàn cơ sở (CĐCS) ký TƯLĐTT, trong đó 60% số các bản thỏa ước đạt được các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, tăng 20% so với trước khi nghị quyết ban hành. Chất lượng và nội dung các thỏa thuận được nâng cao, hạn chế tính hình thức, các bên ký nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương lượng, ký TƯLĐTT.
CĐCS tại một số DN đã làm tốt việc ký TƯLĐTT. Thông qua thỏa ước, nhiều DN đã có những chính sách ưu đãi đối với NLĐ, bao gồm: chế độ lương tháng 13, hỗ trợ bữa ăn giữa ca, trợ cấp trượt giá, chi phí đi lại, nhà ở, tổ chức đào tạo nghề, đóng tiền bảo hiểm tai nạn; áp dụng chế độ làm việc đúng pháp luật; tổ chức quỹ trợ vốn cho NLĐ không tính lãi suất, xây dựng nhà trẻ, tăng thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ (LĐN) mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi… Có thể thấy, thông qua thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, quyền dân chủ, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức, kỷ luật của NLĐ ngày càng được nâng cao, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại DN. Nhiều TƯLĐTT thật sự là “bộ luật con” trong DN, mang lại lợi ích cao hơn cho DN và NLĐ so với quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, những DN đạt được thỏa ước có chất lượng chưa nhiều. Đặc biệt trong khu vực DN ngoài nhà nước, tỷ lệ này còn thấp (60%). Không ít DN xây dựng TƯLĐTT chủ yếu là sao chép lại quy định pháp luật, mang tính hình thức, đối phó. Nhiều DN trên thực tế thực hiện nhiều quy định có lợi hơn cho NLĐ so với pháp luật quy định, nhưng không đưa vào thỏa ước vì sợ bị ràng buộc. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ việc người sử dụng lao động chỉ tập trung nâng cao lợi nhuận, xem nhẹ, thậm chí vi phạm quyền, lợi ích của NLĐ, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của TƯLĐTT đối với sự phát triển bền vững của DN.
Một trong số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chất lượng thỏa ước thấp là do pháp luật lao động hiện hành chưa quy định rõ ràng về vấn đề này. Trong Luật Lao động hiện hành mới chỉ quy định về nội dung, trình tự, thủ tục ký TƯLĐTT mà chưa quy định trình tự, đối tượng, nội dung, thời gian thương lượng, khiến việc đàm phán ở nhiều DN, nặng tính đối phó. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: Bộ luật Lao động quy định giao cho ban chấp hành (BCH) CĐCS đại diện tập thể lao động trong DN thương lượng và ký kết TƯLĐTT với đại diện NSDLĐ chưa phù hợp với khả năng và năng lực của BCH CĐCS trong điều kiện mới. Trong khi đó, chưa có quy định vai trò của CĐ cấp trên cơ sở và cơ quan lao động trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong thương lượng. Còn Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Huỳnh Văn Tịnh lại cho rằng: “Chất lượng các bản thỏa ước phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực của cán bộ CĐCS. Trong khi đó, vai trò cán bộ CĐCS còn mờ nhạt, trình độ, kỹ năng về thương lượng kém dẫn đến thiếu bản lĩnh, sự tự tin trong thương lượng. Chưa kể, một số CBCS sợ “ảnh hưởng quyền lợi”, đấu tranh thì mất lòng ông chủ đã trả lương cho mình”.
Đổi mới và nâng cao chất lượng thỏa ước
Việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, và thương lượng TƯLĐTT là những nội dung quan trọng và có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động CĐ. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Chiến cho rằng: TƯLĐTT có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và củng cố CĐCS vững mạnh, nhất là đối với các CĐCS ở DN ngoài nhà nước. Để nâng cao số lượng và chất lượng TƯLĐTT trong DN, cần xây dựng và củng cố “tổ tư vấn xây dựng và ký kết TƯLĐTT” ở từng tỉnh, thành phố, nhằm hỗ trợ đắc lực cho CĐCS theo quy định của pháp luật. Hằng năm, nên giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho từng cấp CĐ. Đặc biệt, cần đưa chỉ tiêu “xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT” vào chỉ tiêu thi đua để đánh giá, xếp loại và khen thưởng hằng năm đối với CĐCS”. Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP Hải Phòng Vũ Đức Cường đề xuất: “Cần có ngay các biện pháp chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm và cố tình vi phạm pháp luật về ký kết, thực hiện TƯLĐTT. Mức xử phạt phải thỏa đáng để DN vi phạm không thể coi thường, thiếu tôn trọng pháp luật”.
Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam xác định nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và NLĐ là nhiệm vụ số một của tổ chức CĐ. Theo đó, phấn đấu đến năm 2013, có 70% trở lên số CĐCS trong các DN tổ chức thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Để từng bước nâng cao chất lượng TƯLĐTT, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo giảng viên và chuyên gia về TƯLĐTT. Triển khai tổ, nhóm chuyên gia của CĐ cấp trên cơ sở nhằm hỗ trợ CĐCS thương lượng TƯLĐTT. Bên cạnh đó, các cấp CĐ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Luật Lao động, Luật CĐ, liên quan đến thương lượng và ký TƯLĐTT, xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ CĐCS. Đồng thời, đẩy mạnh và tăng cường vai trò CĐ cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS thương lượng và ký kết TƯLĐTT, kể cả các DN chưa có tổ chức CĐ. Ngoài ra, để thực hiện tốt thỏa ước, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ, CĐ cần phối hợp chặt chẽ với tòa án nhằm hỗ trợ công tác tư vấn giải thích luật và phán quyết các vấn đề liên quan đến NLĐ. Cộng tác với các cơ quan chức năng như thanh tra, lao động, bảo hiểm xã hội, thanh, kiểm tra buộc các bên trong QHLĐ thực hiện đúng, đủ các nội dung đã cam kết trong thỏa ước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()