Nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô
Năm năm sau ngày thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là công tác bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng sống tại Thủ đô.
Năm năm sau ngày thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là công tác bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng sống tại Thủ đô.
Giải quyết nhiều vấn đề dân sinh bức xúc
Không lâu sau ngày hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, trận mưa lớn, kỷ lục từ ngày 31-10 đến 3-11-2008 đã khiến nhiều khu vực ở nội thành, ngoại thành Thủ đô ngập sâu trong nước. Ðiện sinh hoạt bị cắt, giao thông hỗn loạn, sản xuất nông nghiệp thiệt hại, việc kinh doanh, buôn bán ngừng trệ, dẫn đến giá cả hàng hóa thiết yếu tăng vọt… Nước rút, người dân thành phố lại phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt. Hơn lúc nào hết, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống của nhân dân là nhiệm vụ cấp bách của các cấp ủy, chính quyền thành phố. Thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung đáp ứng ngay nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Hơn 800 tỷ đồng đã được chi để khôi phục sản xuất nông nghiệp, duy tu hệ thống giao thông, xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, mua nhu yếu phẩm cứu trợ cho nhân dân… Các cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác khắc phục hậu quả trận mưa lũ sau đó cũng đồng thời là những cuộc bàn bạc thấu đáo về những dự án dài hơi để giải quyết những vấn đề dân sinh như: Thoát nước, cấp nước, bảo đảm môi trường… Ðây thật sự là “cuộc tổng diễn tập” đầu tiên của thành phố về công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Sau thời điểm hợp nhất, nhu cầu đi lại của cán bộ, công chức, người dân từ khu vực Hà Tây (cũ) vào nội thành và ngược lại tăng lên đột biến, gây áp lực lớn lên các trục đường giao thông cửa ngõ của thành phố, như tuyến đường Tây Sơn – Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương – Láng, Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, Xuân Thủy – Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt – Bưởi… Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Trước tình trạng ấy, thành phố nghiên cứu và cho xây dựng năm cầu vượt dành cho xe cơ giới tại các nút giao thông trọng điểm. Có thể vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về mỹ quan đô thị, song những công trình này đã khắc phục đáng kể tình hình ùn tắc giao thông, giải tỏa bức xúc của người dân.
Thành phố tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ đô thị trong khu vực nội thành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ðáng kể nhất là các hạng mục của dự án cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo môi trường 15 hồ nội thành, hòa mạng nguồn nước sạch sông Ðà để cấp nước cho các quận, huyện khu vực phía tây thành phố, xây dựng cải tạo nhiều vườn hoa, công viên…
Xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội cũng là kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm an sinh của Thủ đô trong năm năm qua. Thành phố đã triển khai 16 dự án nhà ở xã hội với 16.300 căn hộ (khoảng 2,3 triệu m2), là đơn vị dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Mới đây, thành phố chuyển đổi bốn dự án nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội với 1.500 căn hộ. Những gia đình đang sống trong khu nhà ở xã hội cho biết, nếu không có những dự án này được triển khai cùng với chính sách hỗ trợ cho mua nhà trả dần, không tính lãi thì không biết bao giờ những cán bộ, công chức có thu nhập thấp như họ mới có thể an cư lạc nghiệp. Tương tự như vậy, cuộc sống của hàng chục nghìn công nhân trong các khu công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi họ phải tự tìm chỗ ở, trong khi thu nhập còn khiêm tốn. Rất nhiều người đã phải sống trong những phòng trọ tồi tàn với chi phí thuê nhà, tiền điện, nước với giá đắt. Ðến nay, ba dự án nhà ở cho công nhân đã hoàn thành với 2.200 căn hộ đã góp phần nâng cao điều kiện sống của công nhân. Hiện, mười dự án ký túc xá với khoảng 43 nghìn chỗ ở cho sinh viên đang được triển khai. Việc cải tạo chung cư cũ, xuống cấp cũng được thành phố chú trọng. Bên cạnh việc tập trung triển khai các dự án nhà ở, trong hai năm gần đây, thành phố chỉ đạo quyết liệt tìm quỹ đất và xây dựng ngay các trường mầm non công lập còn thiếu ở sáu phường thuộc các quận Ðống Ða, Hai Bà Trưng. Ðến nay, bốn công trình trường mầm non đã hoàn thành, đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của hàng nghìn học sinh mầm non.
Cải thiện đời sống người dân ngoại thành
Thời điểm bốn xã Ðông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) mới sáp nhập về Hà Nội, các đơn vị này thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, các công trình phúc lợi thiếu thốn, nhiều hộ dân chưa có điện sinh hoạt… Chỉ ít ngày sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố, Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội triển khai kéo điện cho các hộ dân. Sau hai tháng, lưới điện đã phủ tới địa bàn, mang đến không khí tươi mới ở vùng đất nghèo, không chỉ giúp các gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống, mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế. Cho đến nay, 425 tỷ đồng đã được thành phố đầu tư để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội như xây dựng các tuyến giao thông kiên cố về tới tận thôn, xóm; trạm y tế đạt chuẩn; hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khang trang tại các xã này. Nhờ vậy, kinh tế – xã hội của địa phương được đổi thay toàn diện, đời sống của người dân ngày càng khấm khá…
Chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn của Hà Nội có chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ đường giao thông được bê-tông hóa đạt 75%. 100% số xã đã có đường ô-tô đến trụ sở xã, có lưới điện quốc gia. Các công trình phúc lợi xã hội, như nhà văn hóa, sân vận động thể thao, trường mầm non, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang tại nhiều xã. Hơn 5.500 phòng học tạm, phòng học cấp bốn được xóa bỏ, thay vào đó là phòng học mới. Hầu hết các gia đình đều có nhà ở kiên cố… Kết quả đó là nhờ thành phố đã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tích cực xóa đói, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, tăng cường tổ chức dạy nghề cho người lao động…
Sau thời điểm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có hơn 117.800 hộ nghèo, chiếm 8,43% tổng số hộ. Các huyện Mỹ Ðức, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ là những nơi có nhiều hộ nghèo nhất, chiếm tới 10% tổng số hộ dân. Số lao động bị mất đất sản xuất, cần việc làm; đối tượng bảo trợ xã hội đều tăng cao, trong khi nguồn lực hạn chế, nhiều chính sách còn bất cập đã đặt ra cho thành phố bài toán khó về bảo đảm an sinh xã hội. Song với những nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, đến nay thành phố đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, công tác giảm nghèo ghi được nhiều kết quả. Cùng với việc điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp với thực tế và đặc thù của mỗi địa phương, thành phố còn có những sáng tạo trong công tác này. Mỗi năm, các đơn vị cho khoảng 100 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với phí vay thấp hơn mức T.Ư quy định; hỗ trợ xây, sửa nhà ở dột nát, hư hỏng nặng cao hơn mức quy định của T.Ư. Thành phố còn cấp thẻ BHYT cho người nghèo, người khuyết tật; miễn giảm học phí cho học sinh nghèo; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dạy nghề cho các hộ nghèo… Nhờ vậy, trung bình mỗi năm có hơn 20 nghìn hộ được hỗ trợ thoát nghèo (tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% đến 2%/năm). Lĩnh vực tạo việc làm cũng là thách thức không nhỏ khi những năm qua, diện tích đất bị giải phóng mặt bằng lớn, nhiều người có nhu cầu được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Vừa thực hiện cho vay vốn để chuyển đổi nghề, kết hợp dạy nghề, mở rộng các sàn giao dịch việc làm cố định và di động tới các vùng, thành phố đã giảm được đáng kể tỷ lệ người thất nghiệp, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 133 nghìn lượt lao động.
Dẫu còn nhiều khó khăn, như nguy cơ tái nghèo tiềm ẩn, tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức cao, đời sống của người dân giữa các khu vực vẫn có sự chênh lệch lớn…, nhưng những kết quả mà thành phố đạt được trong công tác bảo đảm an sinh xã hội thời gian qua rất đáng ghi nhận, tạo niềm tin vào những kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()