Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ
“Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ” là chủ đề của hội thảo vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội. Phần lớn các tham luận của giới văn nghệ sĩ, nghiên cứu phê bình văn học và của chính những người viết trẻ đã tập trung phân tích hiện trạng và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chất lượng sáng tác của lực lượng trẻ.
Các tác giả trẻ cùng đại biểu tham dự trại sáng tác tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang (Ảnh TRỌNG TOAN) |
Thực tiễn cho thấy, hiện nay, chất lượng sáng tác trẻ chịu sự tác động nhiều chiều của nhiều yếu tố, nhiều xu hướng khác nhau. Điều đó đòi hỏi những đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác. Câu hỏi đặt ra là: Phải đổi mới đến đâu? Làm như thế nào? để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ trong nền văn chương nước nhà.
Về hoạt động sáng tác văn học trẻ hiện nay, nhà thơ Trần Hữu Việt – Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ 20, có thể điểm ra nhiều tên tuổi nổi bật: Chế Lan Viên viết “Điêu tàn” năm 16 tuổi; Nguyên Hồng in “Bỉ vỏ” năm 18 tuổi; Tế Hanh 20 tuổi giành Giải thưởng của Tự lực Văn đoàn; Vũ Trọng Phụng viết “Giông tố” và “Số đỏ” năm 24 tuổi; Nam Cao viết “Chí Phèo” năm 24 tuổi; Nguyễn Tuân viết “Vang bóng một thời” năm 28 tuổi; còn Hoài Thanh viết “Thi nhân Việt Nam” khi vừa bước vào tuổi 30…, đó đều là những danh tác một thời của văn học nước nhà.
Liên hệ gần có thể gọi ra những cái tên từng tạo nên những hiện tượng trên văn đàn, đó là Đỗ Chu viết “Ao làng”, “Hương cỏ mật”, “Mùa cá bột” khi mới 17, 18 tuổi; Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ xuất bản “Từ góc sân nhà em” sau đó là “Góc sân và khoảng trời” năm 10 tuổi; Phan Thị Vàng Anh in “Khi người ta trẻ” năm 25 tuổi, “Hội chợ” năm 28 tuổi; Nguyễn Ngọc Tư in “Ngọn đèn không tắt” năm 25 tuổi, “Cánh đồng bất tận” năm 29 tuổi…
Về cơ bản, những sáng tác mang tính bước ngoặt làm nên tên tuổi của người viết thì tuổi trẻ thường chiếm thế thượng phong. Gần nhất, năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 (tại Đà Nẵng) với 138 đại biểu tiêu biểu cho đội ngũ những người viết trẻ tuổi đời dưới 35 được lựa chọn; và người trẻ nhất tại thời điểm ấy mới 15 tuổi (sinh năm 2007). Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng không ít người trong số đó sở hữu “gia tài” văn chương khá ấn tượng. Đây cũng là số lượng đại biểu “người viết văn trẻ” đông đảo nhất trong 10 năm qua.
Dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là tỷ lệ hội viên trẻ (dưới 40 tuổi) trong Hội Nhà văn Việt Nam mới chỉ xấp xỉ 4%; còn nếu tính tuổi dưới 35 thì tỷ lệ chưa đến 1,7% – một con số quá thấp và dường như không thay đổi suốt nhiều năm nay. Hầu hết các cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, say mê sáng tác, một số nổi lên như những tiềm năng; thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, “nhẹ nhàng” rời khỏi văn đàn…
Trình bày tham luận tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Bích Ngân cho rằng, trong xu hướng hội nhập toàn cầu, văn học trẻ đang có những chuyển động mới mẻ. Không thể phủ nhận, từ các cuộc thi văn chương và các giải thưởng văn chương đã tạo cơ hội cho các cây bút trẻ xuất hiện và thành danh.
Tuy nhiên, văn học trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và văn học trẻ nói chung cần tiếp tục được “vận hành” bằng chính sự năng động của các cây bút. “Nhìn từ góc độ hội nghề nghiệp, chúng tôi cho rằng: Cần có chiến lược đầu tư thỏa đáng cho tác giả trẻ. Tác phẩm văn học phải được xem như một kênh văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và phẩm chất con người Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, mà bệ phóng chính là những nhà văn trẻ.
Nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng các tác giả trẻ, nhất là các tác phẩm ở thể loại tiểu thuyết. Chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết, họ mới phát huy hết được trách nhiệm của người cầm bút đích thực”, nhà văn Bích Ngân phân tích.
Trong tham luận “Đào tạo, hỗ trợ nhà văn mới – từ mô hình khởi nghiệp”, PGS, TS Phạm Xuân Thạch (Khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt vấn đề: Gần như hiện nay không có nhà văn nào tự kinh doanh sách của mình. Gần như phần lớn các nhà văn đều “cộng sinh” cùng các nhà xuất bản để biến bản thảo thành sách và đưa ra thị trường.
Sở dĩ nói đây là một sự “cộng sinh” bởi lẽ nhà văn cần có nhà xuất bản để có thể có vốn biến bản thảo thành sách và phân phối đến công chúng, để từ đó có thu nhập nuôi sống được việc viết lách. Từ phía các nhà xuất bản, họ cần đến nhà văn để tạo ra lợi nhuận. Nhưng vấn đề liệu có phải chỉ đơn giản như vậy?
Nhìn vào thực tế viết lách của mỗi tác giả trẻ đều thấy lấp lánh những ý tưởng độc đáo, lóe sáng ngay từ tác phẩm đầu tay – dẫu hành trình viết không hề bằng phẳng và thuận lợi. Những người viết như thế cần được đặt vào vị trí của những người khởi nghiệp.
Với tiếng nói của người viết trẻ, Tiến sĩ, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (Trường đại học Khoa học-Đại học Huế) cho rằng: Trước hết, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần đề ra các bộ tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng… trên cơ sở yêu cầu của nền văn học nước nhà.
Từ đó, nêu ra những yêu cầu cụ thể hơn, thí dụ cần có tác phẩm thể hiện sâu sắc quá trình thay đổi của nông thôn và nông dân trong hội nhập và phát triển; hoặc với đề tài hai cuộc kháng chiến, đề tài thời kỳ đổi mới, hội nhập… Tăng cường việc tổ chức các Trại sáng tác chuyên ngành cho các tác giả trẻ để đào sâu những vấn đề cần khai thác, kết hợp tổ chức công bố tác phẩm sau khi kết thúc trại; có cách thức đầu tư, hỗ trợ đặc thù về kinh phí cho sáng tạo của các tác giả trẻ, kể cả quảng bá tác phẩm của tác giả trẻ ra nước ngoài…
Ở góc độ đào tạo, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn-Báo chí (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) trong tham luận của mình khẳng định: Để có thể duy trì, phát triển ngành học “viết văn” vốn có bề dày truyền thống và thành tựu đào tạo, rất cần cái nhìn rộng mở, linh hoạt trong việc xác định mục tiêu, chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, hiện đại, hiệu quả từ phía cơ sở đào tạo; sự quan tâm, đầu tư về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; sự đồng bộ về cơ chế, chính sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan hữu quan.
Một số giải pháp được đưa ra tập trung vào các hoạt động: Nghiên cứu xây dựng cơ chế đào tạo đặc thù; mở rộng cơ hội việc làm trong chính sách tuyển dụng đối với sản phẩm đầu ra; xây dựng, phát triển không gian, môi trường học tập đặc thù để người học có thể vừa thực hành sáng tạo, vừa định hình “đường dài” nghề nghiệp viết lách!
Những chuyên đề, tham luận tại hội thảo chính là cơ sở để các cơ quan chức năng sớm xây dựng các giải pháp mang tính đặc thù, đem lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sáng tác trẻ thời gian tới.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()