LSO- Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, bằng các nguồn lực khác nhau, Lạng Sơn đã trồng mới được trên 142 ngàn ha rừng. Con số này là một tín hiệu khả quan cho thấy phát triển lâm nghiệp đã và đang được quan tâm một cách đúng mức và kinh tế rừng đang dần trở thành thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, đó chỉ là về số lượng, còn chất lượng rừng trồng vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Nông dân Hữu Lũng chuẩn bị cây giống cho trồng rừngTrong những năm trở lại đây, mỗi năm huyện Hữu Lũng trồng mới khoảng 1.700 ha rừng. Tuy nhiên cơ cấu cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện rất nghèo nàn, cơ bản vẫn chỉ là một số loại cây chính như bạch đàn, keo…Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Có giai đoạn cây bạch đàn đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ lệ 80% trong tổng số diện tích rừng trồng hàng năm của huyện. Bạch đàn được “ưu ái” bởi nguyên nhân rất đơn giản là chu kỳ kinh doanh chỉ từ 5-7 năm, ngắn hơn nhiều so với các...
LSO- Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, bằng các nguồn lực khác nhau, Lạng Sơn đã trồng mới được trên 142 ngàn ha rừng. Con số này là một tín hiệu khả quan cho thấy phát triển lâm nghiệp đã và đang được quan tâm một cách đúng mức và kinh tế rừng đang dần trở thành thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, đó chỉ là về số lượng, còn chất lượng rừng trồng vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế.
Nông dân Hữu Lũng chuẩn bị cây giống cho trồng rừng
Trong những năm trở lại đây, mỗi năm huyện Hữu Lũng trồng mới khoảng 1.700 ha rừng. Tuy nhiên cơ cấu cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện rất nghèo nàn, cơ bản vẫn chỉ là một số loại cây chính như bạch đàn, keo…Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Có giai đoạn cây bạch đàn đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ lệ 80% trong tổng số diện tích rừng trồng hàng năm của huyện. Bạch đàn được “ưu ái” bởi nguyên nhân rất đơn giản là chu kỳ kinh doanh chỉ từ 5-7 năm, ngắn hơn nhiều so với các loại cây khác, trong khi đó nhu cầu của thị trường đối với loại cây này là khá cao với các mục đích sử dụng như trụ mỏ, chằng, chống trong các công trình xây dựng…giá trị kinh tế không phải là cao, nhưng lại đảm bảo cho người nông dân thu hồi vốn nhanh để tái đầu tư.
Thực tế cho thấy bạch đàn là loại cây dễ trồng, không kén đất và tăng trưởng nhanh, nhưng lại hấp thụ rất nhiều dưỡng chất trong đất, do đó nếu trồng thuần loài trên đất trống, đồi núi trọc, vô tình sẽ làm cho đất đai thêm nghèo kiệt sau một vài chu kỳ. Ông Thiệu khẳng định: Chỉ sau một vài chu kỳ thâm canh, thậm chí ngay bản thân cây bạch đàn cũng phát sinh bệnh, làm giảm chất lượng rừng, điều này đã được minh chứng qua rất nhiều bệnh đã xuất hiện trên cây bạch đàn tại Hữu Lũng trong thời gian vừa qua. Để giải quyết tình trạng này, những năm trở lại đây UBND huyện Hữu Lũng đã có chủ trương, tất cả những chương trình trồng rừng do vốn ngân sách đầu tư sẽ không trồng bạch đàn, do đó tỷ lệ bạch đàn có giảm đôi chút, nhưng thực tế là lượng giảm không nhiều và các loại cây trồng thay thế cũng không đa dạng, chủ yếu là rừng thuần loài.
Rừng hồi ở xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng
Một trong những hạn chế rút ra được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn giai đoạn 2000-2010 là các loại cây truyền thống còn chiếm tỷ lệ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao chưa được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát triển, trong khi đó các biện pháp thâm canh tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, biện pháp nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài chưa được áp dụng rộng rãi, phổ biến. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá: Cơ cấu cây trồng còn quá nghèo nàn, quy trình kỹ thuật, quản lý giống…còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng và giá trị kinh tế của rừng trồng còn thấp. Rừng trồng hầu hết là thuần loài, chưa chú trọng đến trồng rừng hỗn giao, phát triển bền vững. Có thể thấy là trong những năm qua, trong toàn tỉnh đã hình thành một số vùng rừng kinh tế, nhưng những cánh rừng trồng thuần loài đó đã bắt đầu bộc lộ sự không bền vững. Ngoài bạch đàn, có thể kể đến những rừng thông thuần loài, tuy có mang lại nguồn lợi, nhưng người dân phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng và đặc biệt là “thảm họa” sâu róm thông liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Phân tích đầy đủ, thấu đáo những hạn chế về phát triển lâm nghiệp trong những năm qua, nâng cao chất lượng rừng trồng là một trong những trọng tâm chỉ đạo của tỉnh đối với ngành lâm nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Cần phải quy hoạch hợp lý vùng cây nguyên liệu, cây ăn quả; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; quản lý chặt chẽ và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây lâm nghiệp, lựa chọn loại có giá trị kinh tế cao; phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với quy hoạch về chế biến và cơ sở hạ tầng lâm sinh…Những chủ trương chỉ đạo đó cũng đã được cụ thể hóa trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn thời kỳ 2010-2020 vừa được công bố trong thời gian vừa qua. Hy vọng với sự nỗ lực của toàn tỉnh, Lạng Sơn sẽ nhanh chóng phát triển lâm nghiệp xã hội phát triển bền vững và có giá trị kinh tế cao. Khi ấy, rừng mới thực sự là ngành kinh tế thế mạnh nơi địa đầu.
Vũ Lê Minh
Ý kiến ()