Nâng cao chất lượng quả na: Cách làm ở Y Tịch
– Để hạn chế sâu bệnh hại quả na, vụ na năm 2022, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng đã tuyên truyền, vận động người dân bọc toàn bộ quả na bằng túi bọc. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Y Tịch là xã nằm ở phía Tây của huyện Chi Lăng, có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp xen kẽ các dãy núi đá vôi. Tận dụng đất đai màu mỡ dưới chân núi, từ nhiều năm nay người dân trên địa bàn xã đã tích cực phát triển trồng na.
Người dân thôn Nam Lân 1, xã Y Tịch bọc quả na
Theo thống kê, toàn xã hiện có trên 400 ha na, trong đó, có khoảng 300 ha đã cho thu hoạch quả. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi, khí hậu lạnh nên cây na trồng tại đây thường ra hoa muộn (muộn hơn từ 15 đến 20 ngày) và rải rác thành nhiều lứa hoa hơn so với những khu vực khác trên địa bàn huyện. Chính vì nguyên nhân này, hằng năm, nhiều diện tích na của bà con, đặc biệt là những lứa hoa sau có tỷ lệ đậu quả thấp, quả na thường bị sâu hại bởi các loại côn trùng như: bọ xít, dầy bay, ruồi vàng…
Để hạn chế sâu bệnh gây hại, nâng cao chất lượng quả na, từ nhiều năm nay người dân trên địa bàn thường xuyên cắt tỉa cành sâu bệnh kết hợp treo bẫy bả ruồi vàng. Tuy nhiên, cách làm này không tiêu diệt được triệt để các loại côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng hại quả.
Ông Mai Việt Lào, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Để ngăn các loại côn trùng châm chích vào quả dẫn đến quả na bị sâu, dòi… thì cách làm hiệu quả nhất là tiến hành bọc kín từ khi quả còn bé. Theo đó, từ tháng 5/2022, chính quyền xã đã tuyên truyền đến người dân về lợi ích, hiệu quả của việc thực hiện bọc kín quả na. Tại các hội nghị, các cuộc họp thôn, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bọc toàn bộ quả na bằng túi bọc trong suốt; yêu cầu cán bộ, đảng viên đi trước làm gương, sau đó tuyên truyền người dân làm theo. Thời gian bắt đầu bọc là khi quả na đậu và đã phát triển được từ 1 đến 1,5 tháng (tính từ thời điểm thụ phấn hoa).
Anh Linh Văn Trường, thôn Nam Lân 1 cho biết: Việc bọc quả na bằng túi đã được gia đình tôi thực hiện cách đây 3 năm. Tuy nhiên trước đây, gia đình làm tự phát nên mỗi năm chỉ bọc một diện tích nhỏ. Thường, những quả na bọc túi sau khi thu hoạch sẽ được thương lái thu mua nguyên túi bọc với giá cao hơn từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg so với na không bọc túi. Nhận thấy điều này cùng với sự tuyên truyền của chính quyền xã, vụ na năm nay gia đình tôi đã tiến hành bọc toàn bộ quả trên 1.300 gốc na. Hiện nay, song song với công việc thu hái lứa na đầu tiên, gia đình tôi cũng đang tích cực bọc những lứa na ra sau. Dự kiến sau khi thu hoạch xong, gia đình sẽ thu được gần 10 tấn quả (tăng khoảng 2 tấn so với vụ na năm 2021), mang lại thu nhập từ 150 đến 180 triệu đồng sau trừ chi phí.
Được biết, hiện nay, loại túi được người dân dùng bọc quả na có chất liệu nilong trong suốt được người dân mua với giá từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg (tương đương với khoảng 700 chiếc).
Với sự tuyên truyền tích cực của chính quyền xã và sự chủ động của người dân, đến nay đã có trên 50% tổng diện tích na cho thu hoạch của xã (tương đương với khoảng 1.100 tấn na) được bọc quả. Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo người dân tiến hành thu hoạch những quả na già song song với bọc những lứa quả ra sau. Dự kiến năm nay, sản lượng na toàn xã đạt trên 2.200 tấn, tăng khoảng 50 đến 70 tấn so với vụ na năm 2021. Hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 20% tổng sản lượng, phần quả còn lại sẽ được thu hoạch rải rác từ nay đến hết tháng 10/2022.
Ông Linh Đức Tiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Việc bọc kín quả bằng túi sẽ bảo vệ được quả na khỏi sự châm chích của các loại côn trùng gây hại; giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực; đảm bảo sản xuất na sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng… Nhận thấy hiệu quả tích cực từ việc bọc quả na, xã Y Tịch đã tiên phong phát động phong trào bọc na và được người dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ. Thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện và chính quyền xã nghiên cứu, sử dụng các loại túi vừa có chất liệu thân thiện với môi trường, vừa có giá thành hợp lý… từ đó, triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện.
Với cách làm sáng tạo, bài bản, việc bọc toàn bộ quả na bằng túi tại xã Y Tịch đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quả, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()