Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”
(LSO) – Toàn tỉnh hiện có 2.643 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó có 1.012 cơ sở nguy hiểm cháy nổ. Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, những năm qua, Công an tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu người khi xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn. Đồng thời, tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC trong các đợt cao điểm đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, nơi tập trung đông người.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh kiểm tra thiết bị chữa cháy tại Khách sạn Hoa Sim (thành phố Lạng Sơn)
Năm 2020, Công an tỉnh đã phối hợp đăng, phát 340 phóng sự, tin, bài khuyến cáo về công tác PCCC- CNCH; tổ chức 303 cuộc tuyên truyền PCCC-CNCH cho trên 32.100 lượt người; 860 cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Đặc biệt, năm 2020, Công an tỉnh chỉ đạo thành lập trang thông tin điện tử “Phòng cháy, chữa cháy và CNCH tỉnh Lạng Sơn” với 320 tin, bài tuyên truyền, thu hút hơn 338.300 lượt xem. Qua đó nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về công tác PCCC.
Ông Đậu Thanh Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác Khoáng sản Đồng Phú (huyện Hữu Lũng) cho biết: Công ty có trên 1.600 m2 bãi chứa vật liệu gỗ, nhà kho tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Công ty luôn chú trọng thực hiện tốt công tác PCCC như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức PCCC cho người lao động; trang bị đầy đủ trang thiết bị PCCC tại các xưởng, các tổ sản xuất; thành lập Đội PCCC với 10 thành viên. Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn đảm bảo an toàn, không để xảy ra cháy, nổ.
Đi đôi với tuyên truyền, Công an tỉnh đã xây dựng đội PCCC ở cơ sở với phương châm “4 tại chỗ” (gồm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) với 2.643 đội PCCC cơ sở, hơn 17.000 đội viên được huấn luyện nghiệp vụ PCCC-CNCH hàng năm. Năm 2020, Công an tỉnh đã tổ chức huấn luyện được 52 lớp với 2.393 người tham gia. Qua đó, lực lượng PCCC cơ sở được nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, tham gia giải quyết tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, ngăn chặn cháy lớn, giảm thiệt hại.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Quản đốc phân xưởng Cơ điện, đội viên Đội PCCC Công ty Than Na Dương (huyện Lộc Bình) cho biết: Công ty đã thành lập đội PCCC, tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, trang bị phương tiện chữa cháy… Các phân xưởng thường xuyên huấn luyện cho công nhân các thao tác an toàn khi vận hành máy móc, không để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động.
Cùng với đó, hằng năm, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Năm 2020, Công an tỉnh tham gia 5 đoàn liên ngành, kiểm tra 126 lượt cơ sở. Công an tỉnh tổ chức kiểm tra 1.382 lượt cơ sở. Qua kiểm tra, phát hiện, kiến nghị khắc phục 2.926 tồn tại, thiếu sót, xử phạt hành chính 19 trường hợp (giảm 17 trường hợp so với năm 2019) với số tiền 45,4 triệu đồng (giảm 130 triệu đồng).
Với những biện pháp thiết thực đó, phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” ngày càng lan tỏa, phát huy hiệu quả. Năm 2020, toàn tỉnh có 124 đơn vị đạt điển hình tiên tiến phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” (tăng 67 đơn vị so với năm 2019); xảy ra 6 vụ cháy nhà dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, giảm 3 vụ so với năm 2019, thiệt hại tài sản khoảng 1,2 tỷ đồng, giảm gần 1,8 tỷ đồng.
Thượng tá Hoàng Hùng Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC – CNCH Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, các đơn vị cơ sở; tiếp tục nhân rộng các cơ sở điển hình tiên tiến về PCCC, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng các mô hình điểm đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở, khu dân cư như: “Khu dân cư an toàn PCCC”, “Nhà tôi có bình chữa cháy”… Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác PCCC, hình thành thế trận toàn dân PCCC, góp phần bảo đảm an toàn PCCC, giữ vững an ninh trật tự địa phương.
Ý kiến ()