Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
LSO-Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TD ĐKXD ĐSVH) là một trong bốn giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức rõ vai trò và tác động của phong trào đến đời sống xã hội, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ về nâng cao chất lượng phong trào trên địa bàn tỉnh.
Các cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giai đoạn 2010 – 2015 nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh |
Đến năm 2016, toàn tỉnh có 69,8% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 45,2% thôn, khối phố đạt danh hiệu thôn, khối phố văn hóa; 88,4% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan văn hóa và 88,9% thôn, khối phố có nhà văn hóa. Phong trào TD ĐKXD ĐSVH ngày càng phát triển sâu rộng, nâng cao về số lượng, chất lượng, các nội dung đã bám sát thực tiễn cuộc sống, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan đơn vị. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, nhiều hoạt động văn hóa thể thao được duy trì. Phong trào đã có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống; có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, các mô hình giảm nghèo bền vững, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác phòng chống tội phạm… được các cấp, ngành tích cực triển khai, góp phần hiệu quả vào phong trào TD ĐKXD ĐSVH trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Phong trào TD ĐKXD ĐSVH được tỉnh triển khai tổ chức suốt 15 năm qua, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Mặc dù, đạt được kết quả trên, phong trào cũng còn những hạn chế bất cập, đó là: hiệu quả quản lý, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp; mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội chậm được nhân rộng; chưa huy động được nhiều nguồn lực thực hiện xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa thể thao. Hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, ban vận động phong trào ở một số đơn vị, cơ quan chưa năng động, sáng tạo; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào chưa đáp ứng được so với yêu cầu…
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 3.464 thành viên ban chỉ đạo phong trào các cấp và 18.560 thành viên ban vận động của các thôn, bản, khối phố. Đây là lực lượng hùng hậu đang tham gia tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả kế hoạch trọng tâm của phong trào đã đề ra trong từng năm. Để phong trào TD ĐKXD ĐSVH thực sự đi vào chiều sâu có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, đòi hỏi phải tiếp tục triển khai thực hiện một cách hiệu quả các quy định của trung ương, của tỉnh về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Động viên khuyến khích sự đóng góp của toàn xã hội trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao và phát triển các loại hình câu lạc bộ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Gia đình, cộng đồng và nhà trường cần có sự phối hợp hoạt động trong việc định hướng những giá trị đạo đức chuẩn mực xây dựng nhân cách có văn hóa trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc; có như vậy thì công tác xây dựng đời sống văn hóa mới thực sự có chất lượng.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()