Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, kiên trì xóa mù chữ
Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Liên (Hữu Lũng) làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào Dao ở thôn Lân Châu |
Giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập
Là một huyện diện tích rộng, dân số đông và có 5 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 16 thôn ĐBKK của 7 xã vùng khó khăn; triển khai Kế hoạch hành động số 09/KH-UBND, ngày 13/1/2017 của UBND tỉnh, huyện Hữu Lũng đã xây dựng những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập GDTH. Cô Trần Thị Ánh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Để huy động tối đa trẻ 6 tuổi người dân tộc thiểu số (DTTS) vào lớp 1 và nâng cao tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, ngành đã tạo sự đồng bộ “liên cấp” từ mầm non đến trung học cơ sở (THCS) và tăng cường các điều kiện đảm bảo như: huy động trẻ ra lớp mẫu giáo, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tăng cường lớp bán trú, 2 buổi/ngày, chống lưu ban, bỏ học. Vì vậy, năm học 2016-2017, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 trong toàn huyện đã đạt 100%; tỷ lệ trẻ em người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, trong đó có 95,9% trẻ hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi.
Sau 20 năm hoàn thành phổ cập GDTH và 10 năm đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi, việc giữ vững và nâng cao chất lượng GDTH đã có nhiều cố gắng, song đối với vùng DTTS tỉnh ta, nhiều trẻ em còn đi học muộn, tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi còn bấp bênh từng năm. Triển khai thực hiện mục tiêu TNK, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT phối hợp với UBND các xã, thị trấn, nhất là các địa phương có đông đồng bào DTTS tiến hành rà soát, kiểm tra chất lượng phổ cập tiểu học. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch sát thực tế, đề ra những giải pháp để phấn đấu. Do có quyết tâm cao, giải pháp tốt và đồng bộ nên tất cả các huyện trong tỉnh đều đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2016; riêng tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đạt 99,94% (mục tiêu năm 2020 là 99,98%). Những huyện khó khăn như: Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập… đều có tỷ lệ huy động cao, từ 99,5% đến 99,75%.
Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ
Do nhiều năm kiên trì huy động trẻ em người DTTS ra lớp, chống lưu ban, bỏ học… nên chất lượng phổ cập GDTH đã được nâng cao; đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 226/226 đơn vị đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3. Kết quả này đã kéo giảm số người trưởng thành mù chữ, tạo điều kiện cho điều tra, mở và duy trì lớp bổ túc. Trong 10 năm (2007-2017), ngành đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Bình quân mỗi năm, toàn ngành đã mở và duy trì từ 20 đến 24 lớp XMC ở những xã, thôn, liên thôn ĐBKK, số học viên dao động từ 250 đến 300 người. Đến cuối năm 2016, Lạng Sơn đạt tỷ lệ 97,8% người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 và tỷ lệ 91,8% biết chữ mức độ 2 (vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2020); tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt trên 96%. Đặc biệt, những huyện có tỷ lệ cao như: Hữu Lũng đạt trên 98,5%, Bắc Sơn 98,7%.
Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ đạt cao đã có tác động tích cực đến phổ cập cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nâng cao trình độ học vấn cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với việc duy trì 99 trường phổ thông DTBT, mở rộng và chuẩn hóa các trường mầm non, tiểu học, ngành GD&ĐT đang thực hiện sắp xếp, quy hoạch hợp lý mạng lưới giáo dục vùng cao, vùng ĐBKK, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trẻ em người dân tộc thiểu số. Việc làm đó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu TNK về giáo dục cho người DTTS vào năm 2020, hướng đến năm 2025, tạo đà thúc đẩy các mục tiêu khác như: y tế, dịch vụ xã hội, giảm nghèo… một cách bền vững.
Ý kiến ()