Nâng cao chất lượng nông, thủy sản
LSO-Trong những năm qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã tăng cường giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông, thủy sản. Điều này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà ngay cả đối với các cơ sở sản xuất cũng nhờ đó mà có biện pháp quản lý, giám sát tốt hơn.
Khách hàng lựa chọn nông sản an toàn tại cửa hàng trên địa bàn phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn |
Đầu năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tiến hành kiểm tra 6 cơ sở sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn. Đồng thời lấy các mẫu gửi Trung tâm Xét nghiệm vùng I để phân tích các chỉ tiêu như Pb (chì), As (Arsen)… Kết quả, 1 mẫu có hàm lượng As vượt quá chỉ tiêu cho phép. Mẫu này trên sản phẩm chè xanh của Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn, ngay lập tức Chi cục đã thông báo kết quả và yêu cầu cơ sở khắc phục.
Ông Bế Xuân Hồng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn cho biết: Công ty đã khẩn trương kiểm tra lại nguồn nguyên liệu sản phẩm, quá trình chế biến, tìm ra nguyên nhân và xử lý ngay. Nhờ hoạt động kiểm tra kịp thời, sản phẩm đã được xử lý, giữ được chữ tín đối với khách hàng. Năm 2014, Công ty chế biến đạt trên 260 tấn chè khô, vượt 11% kế hoạch; bán xuất khẩu trực tiếp khoảng 90 tấn giá trị gần 500 nghìn USD, vượt 21,4% so với năm 2013. Trung tuần tháng 10/2014, sản phẩm chè Ô Long của Công ty vinh dự là một trong ba sản phẩm của Lạng Sơn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc
Cũng trong năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản đã tiến hành kiểm tra, đánh giá đối với một số cơ sở sản xuất măng ớt, các vùng trồng rau tập trung… đó là những sản phẩm được coi là đặc sản của Xứ Lạng. Kết quả, qua kiểm tra 15 vùng trồng rau tại các huyện, thành phố và 10 cơ sở kinh doanh rau, chỉ có 3 mẫu có chỉ tiêu vi sinh E.Coli vượt ngưỡng ở mức thấp và ngay lập tức kết quả này được thông báo để các cơ sở khắc phục. Đối với sản phẩm măng ớt, các mẫu xét nghiệm đều đảm bảo chỉ tiêu vi sinh trong giới hạn cho phép.
Chị Mai Hồng, du khách đến từ Nam Định cho biết: mỗi lần đến thăm Lạng Sơn, gia đình tôi đều lựa chọn sản phẩm rau đặc sản để làm quà, chúng tôi tin tưởng vào chất lượng rau, quả ở đây.
Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: ngoài các sản phẩm kể trên, thời gian qua, Chi cục đã tiến hành kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với một số cơ sở sản xuất nấm ăn, nem chua; chất lượng sản phẩm đối với giống cây trồng… Cơ bản các cơ sở đã thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Đối với những mẫu chưa đảm bảo chất lượng, ngay khi có kết quả và yêu cầu của cơ quan chức năng, các cơ sở đều khắc phục ngay.
Ngoài kiểm tra, giám sát, trong những năm qua, cùng với các đơn vị khác, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã triển khai các mô hình, hỗ trợ tư vấn xây dựng và áp dụng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap như sản xuất rau, nuôi trồng thủy sản tại thành phố Lạng Sơn; sản xuất na tại Chi Lăng… Qua đó đã cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 19 cá nhân và tập thể sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm, thủy sản; cấp 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có 1 cơ sở sản xuất sơ chế rau; 1 cơ sở sản xuất xúc xích; 6 cơ sở sản xuất măng ớt đóng hộp và 2 cơ sở chế biến chè.
Sản xuất an toàn là một trong những yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh trên thị trường. Xứ Lạng có nhiều nông lâm, thủy sản đặc sản được du khách ưa chuộng. Để nâng tầm, chắp cánh thương hiệu cho các đặc sản này, bắt buộc phải gắn với sản xuất theo quy trình để có sản phẩm an toàn. Chính vì vậy kiểm tra, giám sát, gắn với tuyên truyền, xây dựng mô hình là một trong những giải pháp quan trọng giúp người sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, theo phương châm an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()