LSO-Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công luôn được đặt ra như một vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu bởi đây là đội ngũ gánh trách nhiệm phục vụ nhân dân, quản lý, điều hành nền kinh tế, vận hành bộ máy hành chính công và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ công. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại những tỉnh miền núi như Lạng Sơn. Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Mai Pha thành phố Lạng SơnTheo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 26.086 người thuộc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cán bộ công chức hành chính cấp tỉnh, huyện là 2.070 người; cán bộ, công chức các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện là 1.066 người; cán bộ, công chức cấp xã 4.128 người và viên chức là 18.822 người. Chia theo trình độ, trong số cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có...
LSO-Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công luôn được đặt ra như một vấn đề cốt lõi, quan trọng hàng đầu bởi đây là đội ngũ gánh trách nhiệm phục vụ nhân dân, quản lý, điều hành nền kinh tế, vận hành bộ máy hành chính công và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ công. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại những tỉnh miền núi như Lạng Sơn.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
xã Mai Pha thành phố Lạng Sơn
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 26.086 người thuộc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cán bộ công chức hành chính cấp tỉnh, huyện là 2.070 người; cán bộ, công chức các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh, huyện là 1.066 người; cán bộ, công chức cấp xã 4.128 người và viên chức là 18.822 người. Chia theo trình độ, trong số cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có 6 tiến sĩ, 58 thạc sĩ, 2.001 đại học, 162 cao đẳng, 702 trung cấp và trình độ khác là 207 người, khối cán bộ, công chức có 632 người trình độ cấp lý luận chính trị trở lên, 532 trung cấp chính trị. Viên chức có 2 tiến sĩ, 134 thạc sĩ, 4.502 đại học, còn lại 14.184 người thuộc trình độ khác, trong khối viên chức có 82 người trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên. Đối với cán bộ, công chức cấp xã có 122 người có trình độ đại học, 53 người có trình độ cao đẳng, 1.551 trung cấp và số có trình độ khác là 2.402 người, có 8 người trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên, 1.293 trung cấp chính trị và 670 sơ cấp. Nếu chia theo độ tuổi, tại Lạng Sơn, cán bộ công chức độ tuổi dưới 30 chiếm 18%, từ 30 – 50 tuổi chiếm 45%, từ 51 – 60 tuổi chiếm 37%. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp: độ tuổi dưới 30 chiếm 29,2%, từ 30 – 50 tuổi chiếm 62%, từ 51 đến – 60 tuổi chiếm 8,8%.
Trong toàn bộ số liệu trên, có 2 con số đáng chú ý là số tiến sĩ trong khu vực công của tỉnh và số cán bộ, công chức có trình độ đại học đang công tác ở cấp xã. Theo đó, Lạng Sơn hiện có 8 tiến sĩ đang làm việc trong khu vực công và chỉ có 122 người có trình độ đại học trên tổng số 4.128 cán bộ, công chức cấp xã. Nếu so với mặt bằng chung của một số tỉnh miền núi khác, con số trên chưa phải quá thấp, tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt nhân lực có trình độ cao, có chuyên môn sâu ở cấp tỉnh, vấn đề chính quyền cấp cơ sở “khát” nhân lực đã qua đào tạo chuyên môn là một thực tế đã và đang diễn ra tại Lạng Sơn. Hiện nay, nhân lực khu vực công của Lạng Sơn cũng gặp phải tình trạng thiếu hụt về lý luận chính trị, kinh nghiệm quản lý, điều hành thực tiễn, kiến thức về kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý nhà nước ở lực lượng cán bộ trẻ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giàu kinh nghiệm lại bị hạn chế nhiều về ngoại ngữ, tin học… Theo số liệu thống kê, trong số 122 trên tổng số 4.128 cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học của Lạng Sơn thì phần lớn trong số đó đang công tác tại các phường thuộc thành phố Lạng Sơn và trung tâm các huyện, hiện nay nhiều xã vẫn “trắng” cử nhân cao đẳng và đại học được đào tạo chính quy. Xét theo tỉ trọng ngành, Lạng Sơn cũng đang thiếu nhiều cán bộ có trình độ cao trong các lĩnh vực như: ngành y tế thiếu bác sĩ chuyên sâu, thiếu dược sĩ; ngành giáo dục thiếu giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông thiếu kỹ sư chuyên sâu; ngành tài chính, ngân hàng thiếu các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm… Thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao về công tác tại tỉnh nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn, trong khi đó lại phải đối mặt với tình trạng các cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyển vùng công tác ra ngoài tỉnh ngày càng gia tăng.
Cán bộ cục thuế Lạng Sơn tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính từ khách hàng – Ảnh: Đ.B
Từ thực tiễn trên, trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công theo hướng đảm bảo đủ quy mô, chất lượng ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được triển khai thường xuyên, đồng bộ. Những giải pháp chủ yếu được đưa ra hiện nay tập trung vào việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực trẻ, có trình độ về cơ sở công tác, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực hiện các chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài, mở rộng, tăng cường phối hợp, hợp tác để phát triển nhân lực…
Khó khăn hiện tại của Lạng Sơn cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương khác, vấn đề đặt ra là nơi nào làm chủ động, tích cực nơi đó sẽ sớm có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mạnh về chuyên môn, vững vàng về tư tưởng, chính trị và đạo đức để từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nền kinh tế, vận hành bộ máy hành chính công, đáp ứng yêu cầu phát triển và trên hết là phục vụ tốt đời sống của nhân dân.
Trúc Lam
Ý kiến ()