Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển bền vững
Phát triển nguồn nhân lực, tạo ra những con người phù hợp với hệ thống của doanh nghiệp là một trong các giải pháp trọng tâm, đột phá của đơn vị. Xác định đây chính là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngay từ khi mới thành lập, Ðảng ủy, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã rất quan tâm, coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát triển nguồn nhân lực, tạo ra những con người phù hợp với hệ thống của doanh nghiệp là một trong các giải pháp trọng tâm, đột phá của đơn vị. Xác định đây chính là yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngay từ khi mới thành lập, Ðảng ủy, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã rất quan tâm, coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Những hoạt động cụ thể, thiết thực và các giải pháp mà lãnh đạo PVCFC tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào kết quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng và khẳng định thương hiệu “Ðạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng”.
Nhân tố quyết định thành công
Những ngày cuối tháng 7, dù thời tiết nơi mảnh đất cuối cùng của cực nam Tổ quốc mưa nắng thất thường thì cũng không át nổi niềm vui của những người lao động hiện đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau. Họ đang tưng bừng và háo hức chờ đón sản phẩm đạm hạt đục cán mốc một triệu tấn sau 16 tháng Nhà máy Ðạm Cà Mau chính thức hoạt động.
Là một trong những người có mặt ngay từ ngày đầu thực hiện dự án, kỹ sư Nguyễn Trọng Tiêu, Phó phòng Quản lý bảo dưỡng nhà máy Ðạm Cà Mau tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng anh lại có duyên nợ sâu nặng với Cà Mau. Vốn là sinh viên Ðại học Bách khoa Hà Nội, sau khi hoàn thành chương trình du học tại LB Nga chuyên ngành máy và thiết bị dầu khí, năm 2006, anh về nhận công tác tại Ban Quản lý dự án Nhà máy Ðạm Cà Mau theo sự phân công, điều động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Từ những ngày đầu triển khai dự án khí điện đạm Cà Mau với biết bao gian khó, thiếu thốn đủ bề cho đến hôm nay, anh Tiêu và các đồng nghiệp luôn khẳng định sự yên tâm, gắn bó và nỗ lực cố gắng hết mình đối với công ty vì sự phát triển và uy tín của thương hiệu “Ðạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng”. Cũng như kỹ sư Nguyễn Trọng Tiêu, chị Ðào Thị Giang, một cán bộ khác của công ty cho biết: Cả hai vợ chồng chị đều làm việc ở PVCFC, cách đây hai năm chị theo chồng chuyển công tác từ Vũng Tàu xuống Cà Mau mang theo cô con gái nhỏ. Lúc đầu băn khoăn, lo lắng lắm, không biết vợ chồng, con cái sẽ sinh sống, làm việc và học tập ra sao ở một nơi xa xôi và lạ lẫm. Thế nhưng ngay từ ngày đầu chuyển tới đây chị đã yên tâm, vững tin và nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Cùng chung cảm nhận như anh Tiêu, chị Giang, phần đông trong tổng số gần 800 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và người lao động hiện nay của PVCFC đều không phải quê hương ở Cà Mau nhưng tất cả đều khẳng định: Sau một thời gian làm việc họ càng thêm hiểu, yêu quý và gắn bó hơn với công việc và mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
Những căn nhà tươi mầu sơn mới, bên cạnh là các dãy chung cư cao tầng đã hoàn thiện, kế đó là trường mầm non, thư viện, phòng học âm nhạc, họa, nhà thi đấu thể thao đa năng, hồ bơi, sân tenis, sân bóng đá, siêu thị, căng-tin rồi công viên cây xanh,… Nếu ai đã từng một lần đến thăm PVCFC và tận mắt chứng kiến điều kiện làm việc cũng như sinh hoạt phục vụ cuộc sống và lao động sản xuất của công ty cũng như Nhà máy Ðạm Cà Mau sẽ hoàn toàn cảm nhận và hiểu rõ nhất lý do vì sao người lao động lại tin tưởng, kỳ vọng và nỗ lực đến thế đối với doanh nghiệp này. Có “an cư” mới “lạc nghiệp”, xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của Cụm công nghiệp Khí-điện-đạm Cà Mau, để thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại đây, PVN đã tính toán rất kỹ lưỡng và tập trung đầu tư khu nhà ở chất lượng cao để cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí yên tâm làm việc. Chính cơ sở vật chất cùng những điều kiện cần thiết khác được quan tâm, chăm lo chu đáo đã tạo nên sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp. Ðây cũng chính là nền tảng khích lệ động viên người lao động tận tâm, tận lực vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Dấu ấn của sự phát triển
Thực hiện chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu khí tại khu vực PM3 – Cà Mau cho việc sản xuất điện đạm bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), từ một vùng đất sình lầy hết sức khó khăn, sau một thời gian dài triển khai các dự án khí – điện – đạm; cuối cùng sau 43 tháng thi công dự án Nhà máy Ðạm Cà Mau đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm được hơn 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt và hình thành một nhà máy với quy mô rất lớn, hiện đại. Vào ngày 29-1-2012, trước sự vui mừng vô bờ bến của những người tham gia thi công nhà máy, sản phẩm thương mại đầu tiên đạm hạt đục đã ra đời. Sự kiện này đánh dấu một mốc son trong ngành phân bón Việt Nam. Lần đầu chúng ta sản xuất được đạm hạt đục chất lượng cao và kể từ đó sản phẩm này đã được sản xuất đều đặn mỗi ngày hơn 2.385 tấn cung cấp ra thị trường đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con nông dân, tiết kiệm ngoại tệ do nhập khẩu, giảm cơn sốt về phân bón mỗi khi mùa vụ đến.
Mốc son đáng ghi nhận: Vào cuối tháng 7 này, với việc cán mốc một triệu tấn chỉ sau 16 tháng đi vào hoạt động đã khẳng định không chỉ trình độ, năng lực quản lý, vận hành của PVCFC mà còn khẳng định thương hiệu “Ðạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng” đã đáp ứng được nhu cầu và dần trở thành sự lựa chọn tin cậy đối với bà con nông dân khu vực ÐBSCL, vựa lúa lớn nhất cả nước. Không giấu niềm vui và tự hào, kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc vận hành thay mặt các kỹ sư trực tiếp vận hành Nhà máy Ðạm Cà Mau tự tin, chia sẻ: Sau hơn một năm đi vào vận hành ổn định, các kỹ sư và đội ngũ vận hành của Nhà máy Ðạm Cà Mau đã hoàn toàn tự chủ trong vấn đề kiểm soát thiết bị và là nhà máy đầu tiên của cả nước và của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Ðiều này đã xóa đi hình ảnh vốn dĩ đã tồn tại trong suy nghĩ của rất nhiều người đó là tất cả những dây chuyền hiện đại đều phải thuê chuyên gia nước ngoài còn chúng ta không thể làm được. Bám sát phương châm của công ty là phát triển bền vững, hài hòa lợi ích và thân thiện đối với người nông dân, đội ngũ vận hành cũng như kỹ sư trong nhà máy và cán bộ, công nhân viên trong công ty đã và đang cố gắng đưa giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm, quyết tâm xây dựng thương hiệu “Ðạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng” luôn là thương hiệu nổi tiếng, uy tín của phân bón Việt Nam và tiếp tục tạo ra nguồn sản phẩm tốt nhất đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trên mọi miền đất nước.
Chăm lo nguồn lực lâu dài
Thực tế cho thấy, các nhà máy lọc hóa dầu đặc biệt là lĩnh vực hóa dầu, hóa chất như Ðạm Cà Mau là nhà máy sử dụng các quy trình công nghệ rất hiện đại và tiên tiến; các hệ thống thiết bị cũng rất phức tạp và do đó yêu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực tham gia vận hành, sản xuất tại các nhà máy này là rất cao. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, PVCFC đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển công ty, trong đó chiến lược đào tạo, cung cấp chuyên gia hỗ trợ vận hành, sản xuất là một định hướng quan trọng. Ðể thực hiện chiến lược này, song song với công tác vận hành, Nhà máy Ðạm Cà Mau bảo đảm an toàn, ổn định, đạt công suất tối ưu, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư vận hành nhà máy đã nghiên cứu sáng tạo áp dụng vào thực tiễn sản xuất, rèn luyện, tích cực học tập từng bước nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc và sẵn sàng trở thành những chuyên gia tư vấn, hỗ trợ vận hành các nhà máy sản xuất có công nghệ phức tạp, tiên tiến trong nước và trên thế giới. Ðến nay, cùng với việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, cử chuyên gia tham gia hỗ trợ Nhà máy Ðạm Ninh Bình trong giai đoạn chạy thử, mới đây PVCFC đã ký kết hợp đồng và chính thức cung cấp bốn chuyên gia đầu tiên của Nhà máy Ðạm Cà Mau sang hỗ trợ vận hành công nghệ tạo hạt tại đất nước Vê-nê-xu-ê-la với nhà bản quyền TOYO Nhật Bản. Là đơn vị đầu tiên trong khâu sau của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xuất khẩu chuyên gia ra nước ngoài, có thể khẳng định với những bước đi bài bản, vững chắc và lộ trình rõ ràng, Ðạm Cà Mau sẽ phấn đấu thực hiện thành công chiến lược cung cấp dịch vụ đào tạo, hỗ trợ vận hành, đặc biệt là nâng cao trình độ quản lý, vận hành ngang tầm quốc tế.
Khẳng định con người phù hợp là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc PVCFC Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Công ty luôn chú trọng công tác nghiên cứu phát triển, quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ðến nay, PVCFC vẫn chưa cảm thấy hài lòng với đội ngũ nhân lực sẵn có; sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Trong đó tập trung vào hai nội dung: đào tạo nội bộ gồm những chuyên gia kỹ sư giỏi sẽ đào tạo cho chuyên gia, kỹ sư, anh em còn mới hơn và đào tạo từ bên ngoài thông qua các chuyên gia nước ngoài, các dịch vụ đào tạo của các nhà bản quyền, nhà cung cấp thiết bị ở nước ngoài; đồng thời nâng cao trình độ quản trị: cơ cấu, kiện toàn và tập trung lại các nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp lãnh đạo; đồng thời áp dụng các công nghệ quản trị hiện đại như hệ thống ERP, các phần mềm CMMS, công nghệ thông tin… để nâng cao hiệu quả. Ðáng chú ý PVCFC quyết tâm tạo ra phong trào học tập, phát huy sáng kiến, sáng chế cải tiến kỹ thuật tạo động lực cho người lao động luôn luôn phấn đấu học tập, hoàn thiện mình bảo đảm giàu về trí tuệ, mạnh về thể chất góp sức xây dựng PVCFC trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hóa chất dầu khí theo phương châm “Thân thiện, sáng tạo, chuyên nghiệp”.
Hỗ trợ, trao quà tặng người nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()