“Sân chơi” nhiều thách thức
Việc các quốc gia ASEAN trở thành một Cộng đồng Kinh tế thống nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng trong khu vực. Cộng đồng AEC nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực. Cộng đồng AEC gồm 10 nước thành viên với hơn 620 triệu người, trong đó có 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng lớn là: In-đô-nê-xi-a (40%), Phi-li-pin (16%) và Việt Nam (15%). Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm vào năm 2025.
Tuy là nước thứ ba trong Cộng đồng ASEAN có tỷ lệ lực lượng lao động lớn, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lực lượng lao động Việt Nam hiện còn rất nhiều hạn chế. Báo cáo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2014 cho thấy, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động cho biết, tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc khan hiếm lao động trong một số ngành nghề cụ thể. Về chất lượng nguồn nhân lực, tính theo thang điểm 10, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB; trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ là 5,76 điểm, Ma-lai-xi-a là 5,59 điểm, Thái-lan là 4,94 điểm…
Bên cạnh chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ cấu trình độ nhân lực lao động của Việt Nam cũng đang thể hiện sự bất cập, khi tỷ lệ lao động gián tiếp (tốt nghiệp đại học trở lên) lại cao hơn nhiều so với những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp). Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê, cơ cấu trình độ nhân lực lao động Việt Nam năm 2015: tỷ lệ tốt nghiệp đại học trở lên chiếm 41,51%; cao đẳng là 14,99%; trung cấp là 27,11% và sơ cấp 16,39%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp là nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN. Các chuyên gia cho rằng, năng suất lao động thấp, thiếu lao động tay nghề, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác đang khiến lao động của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập AEC…
Cơ hội từ cạnh tranh gay gắt
Hiện nay, ASEAN đã có thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau trong tám lĩnh vực ngành nghề, gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch. Theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ bậc cao), trong đó nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, sẽ được di chuyển tự do hơn. Tuy nhiên, Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 cũng phải đối mặt sự không tương ứng về kỹ năng trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao. Người lao động có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm hợp pháp cho mình, không chỉ ở trong nước mà mở rộng phạm vi ra cả chín nước ASEAN, ngoài thị trường truyền thống như Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po còn tìm được việc làm tại các quốc gia như Thái-lan, Phi-li-pin…
Thông qua đó, người lao động Việt Nam có thể tìm được việc làm đúng và phù hợp ngành nghề đào tạo, có cơ hội nâng cao kiến thức, tay nghề khi làm việc ở môi trường các nước. Tuy nhiên, trong thị trường lao động chung của 10 quốc gia ASEAN, lao động Việt Nam sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh lớn hơn từ lao động nước sở tại và các nước khác có nhu cầu tìm việc trên cùng thị trường. Mỗi nước trong khu vực sẽ thiết lập hàng rào kỹ thuật riêng để hạn chế dòng lao động nước ngoài không đủ điều kiện và bảo hộ lao động trong nước nên không dễ dàng để lao động tự do di chuyển. Tình trạng di cư tự do ra nước ngoài bằng visa du lịch và lưu trú tìm việc làm bất hợp pháp sẽ xảy ra nếu các nước không có biện pháp quản lý chặt chẽ…
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Hà Thị Minh Đức cho biết: Mặc dù AEC hình thành cho phép dịch chuyển lao động trong một số ngành có kỹ năng cao, nhưng hiện nay khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể, nên việc thực hiện di chuyển tự do trong các ngành nghề này còn nhiều khó khăn. Hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao thường di chuyển đến các nước Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Còn lại hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động có trình độ kỹ năng thấp…
Hiện, việc cấp phép cho lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam vẫn thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với những nghề được phép tự do dịch chuyển trong khu vực ASEAN thì có thời gian để các nước công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Bộ sẽ xây dựng các rào cản kỹ thuật về điều kiện, giấy phép… nhằm bảo vệ vị trí việc làm trong nước đối với các công việc mà lao động Việt Nam có thể đáp ứng. Nghiên cứu và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia cho phù hợp; tham gia đàm phán ngay từ quá trình chuẩn bị, dự thảo hiệp định để bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam…
Giải pháp cho hội nhập
Cùng rất nhiều giải pháp tổng thể khi Việt Nam hội nhập, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Dương Đức Lân cho rằng, để lao động Việt Nam đủ sức cạnh tranh và tự tin hội nhập khu vực thì chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Người lao động nếu thiếu và yếu các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng mềm… sẽ gặp nhiều khó khăn trong cơ hội tìm kiếm việc làm, nhất là việc làm có thu nhập cao trong môi trường làm việc đa văn hóa khi tham gia cộng đồng AEC. Điều này đòi hỏi, giáo dục nghề nghiệp phải có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho giai đoạn tới.
Theo TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), việc hình thành Cộng đồng ASEAN là cơ hội tốt để giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển. Cần nhanh chóng nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận chuẩn khu vực và thế giới, trong đó, cần tập trung đổi mới chương trình đào tạo. Tăng cường đào tạo tiếng Anh trong các cơ sở dạy nghề, bảo đảm cho người học nghề có khả năng giao tiếp trong quá trình làm việc, sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao có khả năng làm việc tại các nước trong khu vực và thế giới. Tăng cường kiểm định chất lượng dạy nghề theo chuẩn khu vực và thế giới, khuyến khích các cơ sở dạy nghề thực hiện kiểm định trường và chương trình bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín…
Trước mắt, vấn đề cốt yếu là tiến hành tái cấu trúc mạng lưới cơ sở dạy nghề; rà soát, đánh giá tiến độ của 45 trường nghề đã được định hướng tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao và các trường được quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế… Bên cạnh đó, nhanh chóng tổ chức thực hiện đào tạo các lĩnh vực trong tám lĩnh vực nghề nghiệp được ASEAN thỏa thuận công nhận.
Ý kiến ()