Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số
Học sinh dân tộc thiểu số Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn thực hành nghề điện tử |
Tiếp tục phát triển cấp THPT
Đầu năm 2016, Trường THPT Ba Sơn đã được đưa vào sử dụng, thu hút gần 400 học sinh các xã vùng cao phía Đông Bắc huyện Cao Lộc vào học tập. Về sự kiện này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cao Lộc nói rằng: Đây không những là cơ hội cho học sinh học cấp THPT các xã như Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn…được học gần nhà, mà còn tạo “cú hích” để sự học khu vực này phát triển, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Cao Lộc.
Các dân tộc thiểu số chiếm hơn 85% dân số trên địa bàn tỉnh, đa phần cư trú ở những địa bàn vùng cao. Để phát triển nguồn nhân lực ở các vùng này, tạo sự công bằng hơn trong phát triển giáo dục, trên cơ sở giữ vững thành tựu phổ cập và nâng cao chất lượng của giáo dục cấp THCS vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số có cơ hội học lên, ngành GD & ĐT đã tiến hành thành lập và đưa các trường THPT khu vực cụm xã vào hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh đã có 25 trường THPT với 22.917 học sinh, trong đó có 10 trường xã cụm xã; bình quân 9 xã, thị trấn có 1 trường THPT. Tỷ lệ huy động học sinh vào cấp THPT hệ chính quy hằng năm đạt từ 77-80%. Chất lượng giáo dục trung học được nâng lên, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học – cao đẳng đạt bình quân từ 40-43%.
Phát triển loại hình bán trú, nội trú
Các trường phổ thông dân tộc bán trú (PT DTBT) và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) là loại hình chuyên biệt dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số học tập. Trong những năm qua, song song với duy trì và mở rộng quy mô tuyển sinh ở 11 trường PT DTNT, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi và thành lập 100 trường PT DTBT với tổng số trên 30 nghìn học sinh. Học sinh trường DTNT được nuôi dưỡng và dạy dỗ tốt đã tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho các địa phương. Học sinh trường DTBT được hưởng các chế độ theo quy định của Chính phủ với chế độ tiền ăn, gạo, tiền ở, hỗ trợ học tập…Trong 5 năm qua, loại hình PT DTBT đã có tác động rất tích cực đến huy động sĩ số, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, tạo nền móng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn và phổ cập chương trình giáo dục phổ thông cho lao động người dân tộc thiểu số.
Tăng cường giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên
Trên cơ sở phân luồng học sinh sau cấp THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN -GDTX) đã “hút” học sinh vào học theo hình thức “2 trong 1” (học bổ túc THPT và trung cấp nghề”. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh đã có 1.552 học sinh vào các trung tâm GDNN-GDTX, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, Trường Cao đẳng nghề và Công nghệ nông lâm Đông Bắc, tăng trên 40% so với năm học trước, trong đó hầu hết là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Các chính sách đối với học sinh người dân tộc thiểu số được nhà trường quán triệt, tuyên truyền và thực hiện triệt để. Chính những yếu tố đó đã tạo “lực hút” mạnh, khiến học sinh dân tộc thiểu số đến với nhà trường.
Sau sáp nhập, các trung tâm GDNN-GDTX đã có sức bật mới về chất lượng dạy văn hóa, nhiều lối mở trong liên kết dạy nghề theo hướng không dạy những gì mình có, mà dạy những gì học viên và xã hội yêu cầu; vừa dạy nghề, vừa cung cấp cho học sinh ý thức nghề nghiệp. Ông Cao Văn Đông, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – GDTX, Sở GD&ĐT khẳng định: Sau sáp nhập, các trung tâm GDNN – GDTX đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động với nhiều học sinh vào học hơn, trong đó phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số. Điều đó có lợi cho công tác duy trì loại hình bổ túc THPT và đưa công tác dạy nghề lên một cung độ cao hơn cả về lượng và chất.
Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một công việc khó khăn đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành GD&ĐT, mà còn là sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành. Đến nay, hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đã có khá đầy đủ, vấn đề là cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ những chính sách. Có như vậy, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số mới được nâng cao, xứng đáng là nguồn nhân lực có chất lượng của địa phương.
Ý kiến ()